232 tỷ đồng 1km nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Thứ hai, 21/07/2014, 07:38
Ngày 20/7, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã khởi công nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 6 làn xe.

Đây là tuyến cao tốc quan trọng từ thủ đô Hà Nội đi các tỉnh miền Trung và miền Nam. Theo thông tin từ Bộ GTVT, dự án có điểm đầu tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng, gồm bốn làn xe chạy, rộng 25m, có hai làn xe khẩn cấp.

Do có lưu lượng xe lưu thông lớn nhất khu vực phía Bắc nên hiện thường xuyên xảy ra ùn tắc, bộc lộ nhiều bất cập.

Nên sẽ tiến hành thực hiện dự án nâng cấp tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chia làm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư lên tới 6.731 tỷ đồng.

Chi thêm tiền nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ

Chi thêm tiền nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ

Giai đoạn 1 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.974 tỷ đồng gồm cải tạo, nâng cấp mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới. Ngay khi hoàn thành giai đoạn I, các nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí hoàn vốn trong thời gian khoảng 17 năm.

Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường là 33,5m.

Theo tính toán thiết kế, khi hoàn thành, tuyến cao tốc trọng điểm này sẽ chính thức được nâng chuẩn, đảm bảo vận tốc thiết kế toàn tuyến Pháp Vân - Ninh Bình đạt 100 km/giờ.

Được biết, dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng chiều dài khoảng 29km, điểm đầu dự án là Km182+300, tại vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội; điểm cuối tại Km 211+256 (tại Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình).

Tổng chi phí xây dựng mở rộng 29km của tuyến đường này là 6.731 tỉ đồng, theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 3 tháng. Như vậy là 1km đường cao tốc này sẽ được đầu tư 232 tỷ đồng để nâng cấp.

Trong khi đó, là tuyến cửa ngõ phía Nam Thủ đô nhưng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện xuống cấp trầm trọng. Sự quan tâm và đầu tư không đúng mức khiến con đường hơn 10 năm sử dụng vẫn không thể đạt chuẩn cao tốc. Hiện tượng nứt, trồi lún không còn xảy ra cục bộ ở đoạn nào mà đã xảy ra trên toàn tuyến.

Đánh giá về hiện trạng tuyến đường, đại diện Hạt quản lý đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cty CP Quản lý và Xây dựng Công trình giao thông 236, Cục quản lý đường bộ 1, Tổng cục đường bộ Việt Nam, cho biết, từ khi đưa vào khai thác từ năm 2001 đến nay (13 năm) tuyến đường vẫn trong tình trạng vừa khai thác vừa chờ lún. Cũng do lún mặt đường vẫn còn nên từ khi đưa vào sử dụng đến nay tuyến đường vẫn chưa được thảm lớp bê tông tạo nhám để phương tiện đi êm thuận.

Cũng theo Hạt này, hiện tượng hư hỏng đang xảy ra trên toàn tuyến, trong đó có 38 vị trí mặt đường bị lún nứt, hư hỏng nặng, nhiều đoạn việc hư hỏng trải dài hàng trăm mét. Các vị trí đường bị sạt lở, lún nứt đơn vị này thống kê cũng có trên 80 vị trí. Riêng vạch kẻ sơn bị mờ, bị mất có trên 100 vị trí với chiều dài hơn 6.000 mét.

Ông Vũ Tuấn Toàn, Phó giám đốc Cty CP Quản lý và Xây dựng Công trình giao thông 236, cũng thừa nhận, từ khi đưa vào sử dụng đến nay tuyến đường chưa một lần được đại tu, kinh phí đầu tư cho bảo trì hiện nay được tính theo tiêu chuẩn đường QL, nguồn kinh phí này chỉ đủ để tuyến đường hàn vá, sửa chữa nhỏ.

Hà Nội nhiều tuyến đường gần 1 tỷ đồng 1 mét

Đoạn đường vành đai 1 Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội) dài 547m, được khởi công tháng 4/2010, tổng đầu tư 642 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Tuyến đường nối đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng dài 1,5km, do UBND Q.Long Biên làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 985,5 tỷ đồng.

Dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Dự án đường vành đai 2 mở rộng, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (đường Trường Chinh, Hà Nội), được UBND thành phố phê duyệt tháng 9/2011, với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng, với chiều dài 1.979m, rộng 53,5 - 57,5m.

Tháng 9/2013, Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (đường Vành đai 3 trên cao), dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng (mở rộng), tiếp nối với đường trên cao Bắc Linh Đàm – Mai Dịch.

Dự án có chiều dài 5,36km, trong đó chiều dài cầu cạn cao tốc 4,8km. Tuyến đường này sẽ được xây dựng theo quy mô đường cao tốc bốn làn xe. Tổng mức đầu tư dự án là 5.343 tỷ đồng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn