Đại gia Việt tuần qua: Cường Đôla hứng rổ tiền, ông Hạnh Nguyễn bị dạy kinh doanh

Thứ bảy, 09/08/2014, 17:15
Cổ phiếu tăng giá mạnh, gia đình Cường Đôla đã đút túi hàng chục tỷ tuy nhiên 2 mẹ con ca sĩ Hà Hồ vẫn "tay trắng" bên khối tài sản đó. Trong khi đó, ông Hạnh Nguyễn lại được một cựu du học sinh tại Nhật Bản đưa ý kiến cá nhân về việc kinh doanh hàng hiệu.

Cường Đôla hứng rổ tiền, Hà Hồ "tay trắng" tại QCG

Chốt phiên giao dịch ngày 8/8, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã tăng 600 đồng/CP, theo đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai - người nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất trong gia đình đã “đút túi” 35,36 tỷ đồng.

Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Loan đạt khoảng 510 tỷ đồng. Bà Loan nằm trong Top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà Loan nhiều hơn bầu Kiên khoảng 30 tỷ đồng.

Vì sở hữu lượng cổ phiếu khá khiêm tốn nên trong tuần Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la), phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai chỉ có thêm 322,5 triệu đồng. Giá trị cổ phiếu QCG do Cường đô la nắm giữ đạt 4,5 tỷ đồng. Cường đô la là một trong những đại gia “nghèo” trên sàn chứng khoán.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà và con trai không sở hữu cổ phần nào tại công ty của gia đình chồng.

Được biết, bà Loan đang có 60,58 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ 46,6% vốn điều lệ QCG. Bà Loan cũng là cổ đông cá nhân duy nhất sở hữu trên 5% vốn điều lệ QCG (cổ đông lớn).

Giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc công ty tuy nhiên Cường Đôla mới chỉ sở hữu 537.500 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 0,41% vốn điều lệ.

Nguyễn Ngọc Huyền My - em ruột ông Nguyễn Quốc Cường có 180.584 cổ phần song không đứng trong hàng ngũ lãnh đạo công ty.

Còn vợ của Cường Đôla là ca sĩ Hồ Thị Ngọc Hà cùng con trai Nguyễn Quốc Hưng hiện không sở hữu cổ phần nào tại công ty của gia đình chồng.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, dư luận đã xôn xao thông tin Cường Đôla bị vợ bỏ và nhiều người cho rằng lý do vì công ty gia đình vị doanh nhân này gánh khoản nợ khổng lồ nên ca sỹ Hồ Ngọc Hà đã “bỏ của chạy lấy người”.

Thông tin không tốt đẹp trên không những không "dìm giá" cổ phiếu nhà Cường Đôla mà còn mang đến tác dụng trái ngược, cổ phiếu QCG đã phá băng đi lên.

Kết quả, kể từ khi tin đồn xuất hiện, QCG đã tăng 800 đồng/CP. Sự gia tăng này của QCG giúp gia đình Cường đô la kiếm được hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài ngày. Sở hữu số lượng cổ phần nhiều nhất nên bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc QCG, mẹ Cường đô la là người hưởng lợi nhất.

Cựu du học sinh dạy ông Johnathan Hạnh Nguyễn kinh doanh

Tuần qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng thông báo, tạm thời đóng cửa để tái cấu trúc.

Chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, trái hẳn với những kỳ vọng của vị đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn, Trung tâm thương mại Tràng Tiền luôn vắng trong tình trạng vắng khách, thậm chí nhiều thương hiệu tại đây đã phải giảm giá siêu sốc tới 50% nhưng vẫn vắng khách mua sắm.

Dưới góc nhìn của một người khách hàng đã có trải nghiệm mua sắm tại nhiều trung tâm thương mại trên thế giới cũng như đã ghé thăm Tràng Tiền Plaza nhiều lần, mới đây Nguyễn Ích Vinh - cựu du học sinh tại Nhật Bản đã có những ý kiến cá nhân về việc kinh doanh hàng hiệu của vị đại gia này, đồng thời có những góp ý của riêng mình để nhắn nhủ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Trung tâm Thương mại Tràng Tiền tạm thời đóng cửa để tái cấu trúc.

Cụ thể, đánh giá về kinh doanh hàng hiệu, Vinh cho rằng, thực sự chủ đầu tư chưa hiểu người mua ở Hà Nội nói riêng và VN nói chung. Với những chiếc đồng hồ có giá hơn 500 triệu đồng hay chiếc túi có giá hàng nghìn đô la, không phải người Việt không có tiền để mua mà thực sự họ không tin tưởng.

Vinh cho rằng, Vinh và nhiều bạn bè đã kiểm chứng Tràng Tiền Plaza đang bán những món đồ như vậy đắt hơn cùng loại ở Nhật, Sing, Hong Kong khoảng 20 - 30%.

Lý do thứ hai, Vinh đưa ra là dịch vụ quá kém so với đẳng cấp của một trung tâm mua sắm sang trọng. Đơn cử, bảo vệ hầm gửi xe mặc kệ khách, chưa lấy xe đã yêu cầu trả tiền, tới lúc lấy xe ra thậm chí không cầm lại vé. Trong khi đó, bảo vệ tầng 1 lại ngáp ngủ, không biết cười và mở cửa cho khách mỗi khi ra vào hay không có một câu chào.

“Chúng tôi sẽ không mua ở Tràng Tiền vì các bạn muốn chúng tôi tiêu tiền như giới siêu giàu, nhưng lại mang cho chúng tôi dịch vụ bình dân”, Vinh nói.

Ngoài ra, Vinh cũng phân tích phân tích, chủ đầu tư không biết tạo ra nhu cầu mua, không chăm sóc tốt khách hàng tiềm năng, không giúp cho họ có được quyết định mua hàng, chắc chắn sẽ không bán được hàng. Người mua cần phải cảm thấy họ đang mang một tuyệt tác thời trang của thế giới về dùng hoặc mang đi tặng với ý nghĩa từ chính việc người bán hàng tư vấn, chứ không phải cảm giác mà người tiêu dùng nhận được là họ chỉ biết làm sao lấy được tiền của khách hàng.

Trước đó, trả lời cho những hoài nghi về sự thành công của Tràng tiền Plaza, ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng tự tin khẳng định: "Hiện nay Việt Nam chưa có trung tâm thương mại nào chuyên về hàng hiệu theo đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, theo tìm hiểu của tôi, khách du lịch có nhu cầu mua sắm rất lớn. Du khách mua sắm 2 thứ: Một là hàng lưu niệm (giá trị thấp), hai là hàng hiệu (giá trị cao)".

Vì vậy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn quyết tâm biến Tràng Tiền thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế.

Khi được ví việc xây dựng Tràng Tiền thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp là như chơi "một canh bạc", ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã thẳng thừng trả lời: "Tôi không đồng tình cách ví von này. Tôi không phải người đánh bạc và vì vậy Tràng Tiền cũng không phải là canh bạc. Các thương hiệu lớn vào Tràng Tiền có tổng giá trị thương hiệu hàng trăm tỷ USD, họ không ngờ nghệch mang tiền đi đánh bạc".

Lý giải cho điều này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, tình hình khó khăn như hiện nay, đại gia còn phải thắt chặt chi tiêu, nhưng chúng tôi có rất nhiều thông số để giải bài toán kinh doanh chứ không phó thác cho may rủi. Chúng tôi có khảo sát nghiên cứu và có cơ sở dữ liệu để giải bài toán về sức mua.

"Tôi lấy ý kiến và được hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu sẵn sàng đồng hành. Hiện nay Tràng Tiền chỉ còn 5% diện tích trống, chủ yếu là mặt bằng nhỏ, có thể bố trí các dịch vụ thanh toán để lấp đầy 100%. Khi các thương hiệu lớn đều có mặt, uy tín và sức hút của Tràng Tiền sẽ tăng lên. Sự đồng thuận, hậu thuẫn lẫn nhau là tiền đề cho thành công", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích