T.S Lê Đăng Doanh
Diễn biến kinh tế thế giới nhiều biến động nhất là cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Nhiều lo ngại khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ tác động xấu tới xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với T.S Lê Đăng Doanh về vấn đề này.
Xin ông cho biết đánh giá của mình về tác động của khủng hoảng nợ công Châu Âu đối với tình hình xuất khẩu Việt Nam năm 2012?
Chắc chắn cuộc khủng hoảng nợ công tác động xấu tới kinh tế châu Âu sẽ làm tăng trưởng giảm đi, các biện pháp khắc khổ của chính phủ đang mắc nợ và ngay các chính phủ chưa bị vỡ nợ cũng phải thực hiện. Hậu quả của những biện pháp này rơi vào người dân. Như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của chúng ta như dệt may, da giày..
Thị trường xuất khẩu châu âu là một trong những thị trường lớn nhất, rất quan trọng của chúng ta, sau thị trường Mỹ, Asean. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ những diễn biến tai châu Âu. Thêm vào đó là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm thị trường mới để thay thế cho thị trường châu Âu.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới, Chính phủ có thể có những biện pháp hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp hay không? Ví dụ như nguồn vốn tín dụng chẳng hạn, thưa ông
Tôi nghĩ các doanh nghiệp chỉ có thể hy vọng nguồn tín dụng dồi dào hơn vào năm sau. Cùng với đó là lạm phát giảm thì hy vọng lãi suất cho vay giảm theo.
Còn với vấn đề tỷ giá hay ngoại tệ thì không thể nào có ngoại lệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu được. Không thể nào vì khả năng xuất khẩu vào châu Âu khó khăn mà đưa ra những hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đến thị trường này.
Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nhiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu nói riêng cần tận dụng tốt những chính sách đó.
Ông từng chia sẻ quan điểm không nên nới lỏng tín dụng quá sớm, nhưng rõ ràng khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cũng sắp cạn. Vậy kỳ vọng đến bao giờ doanh nghiệp có thể “dễ thở” hơn?
Đúng. Quan điểm của tôi là chưa nên nới lỏng tín dụng. Với lượng tín dụng hiện tại nên chuyển từ tín dụng dành cho các doanh nghiệp nhà nước sang cho doanh nghiệp tư nhân thì tốt hơn. Chúng ta không nên hy vọng tổng mức tín dụng lại tăng lên mức 37-40% như các năm trước. Nếu như thế thì sớm hay muộn lạm phát sẽ quay trở lại .
Năm nay xuất khẩu của Việt Nam được hỗ trợ nhiều từ điều chỉnh tỷ giá lớn hồi đầu năm. Theo ông năm sau liệu các doanh nghiệp xuất khẩu có nhận được hỗ trợ tương tự không?
Theo tôi bạn có sự nhầm lẫn. Thực tế việc điều chỉnh tỷ giá không đem lại nhiều lợi ích như mọi người tưởng. Lấy ví dụ dệt may, 75% nguyên phụ liệu nhập khẩu. Do đó điều chỉnh tỷ giá thì giá nhập khẩu cũng tăng lên. Do đó lý thuyết là điều chỉnh tỷ giá để có lợi cho xuất khẩu thực tế chỉ có lợi cho những ngành xuất khẩu như gạo, dầu. Đây là những ngành có hàm lượng nội địa cao.
Tuy nói là hàm lượng nội địa những ngành xuất khẩu cao được lợi nhưng ngay tại những ngành này cũng sử dụng nhiều sản phẩm nhập khẩu như máy móc nông nghiệp, phần bón, xăng dầu. Thậm chí với sản phẩm như thức ăn gia súc sau khi nâng tỷ giá thì giá bán trong nước tăng vọt, gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi gia súc.
Như vậy việc điều chỉnh tỷ giá có tác dụng hạn chế hơn rất nhiều do xuất khẩu chúng ta chủ yếu là gia công.
Chúng ta nói nhiều đến công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu chế biến nhưng các nước xung quanh đều đã làm từ lâu. Vậy doanh nghiệp Việt Nam có thể có “ngách” nào để lách qua không?
Đương nhiên là chúng ta vẫn phải tìm những lĩnh vực sản xuất kinh doanh để len chân vào, sản xuất mặt hàng phục vụ xuất khẩu thay thế cho hàng nhập khẩu . Hiện nay Chính phủ đang tích cực làm nhưng nhiều đề án trên giấy nhưng tiến bộ thực tế rất thấp.
Ví dụ ngay như xe Honda với thị trường lớn, bán được nhiều sản phẩm nên tỷ lệ nội địa hóa lên tới 76%. Với ngành ô tô thì khác. Muốn làm công nghiệp phụ trợ thì phải bán được khoảng 300 ngàn xe mới có lãi. Nhưng với ô tô thị trường quá bé có đến 11 doanh nghiệp nên khó phát triển được công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.
Vậy ông có lời khuyên gì với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế năm 2012?
Thật khó để có thể cho một lời khuyên cụ thể. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần thấy rằng hầu hết các quốc gia đều hạ dự báo tăng trưởng như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Singapore…Còn chúng ta năm nay tăng trưởng khoảng 6% , thì năm sau vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%.
Hơn nữa năm 2012 chúng ta dự kiến giảm tỷ lệ đầu tư như vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì chắc chắn phải tăng hàm lượng khoa học, năng suất sản xuất, quyết tâm cao trong tái cơ cấu. Các doanh nghiệp nên chú ý điều này.
Theo TTVN