Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn cam go. Tính đến phiên giao dịch thứ 4 tuần này, VN-Index đã giảm 7 phiên liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8-5-2009, HNX-Index cũng đang ở mức thấp nhất. Thực tế, nếu VN-Index không bị tác động méo mó của một số mã cổ phiếu lớn thì chỉ số này đã phá đáy (235 điểm) hồi tháng 2-2009.
Những giải pháp mới cho thị trường đang được gấp rút xem xét khi Ủy ban Chứng khoán (UBCK) trình dự thảo đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán. Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cũng kiến nghị đẩy nhanh quá trình sáp nhập hai sở giao dịch lại thành một và tiến hành cổ phần hóa. Theo VASB, chỉ có sở giao dịch mới mới đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Bất chấp nhiều thông tin giải cứu thị trường, các chỉ số vẫn lao dốc và khả năng tiếp tục “đóng băng” là không thể tránh khỏi khi các nhà đầu tư phải đối diện với quá nhiều thông tin tiêu cực.
Cổ phiếu ngành chứng khoán bị sụt giảm rất mạnh bởi thông tin SME bị đình chỉ nghiệp vụ môi giới và cổ phiếu cũng bị hạn chế giao dịch. Theo đó, nhiều công ty chứng khoán khác đang đứng trước bờ vực phá sản. Công ty Chứng khoán SME thừa nhận đã hết tiền mặt, khách hàng chỉ có thể rút tiền xếp hàng theo thứ tự trong vòng 2 - 3 tuần tới. Nhiều nhà đầu tư đang chới với khi mà “sức khỏe” tài chính của các công ty chứng khoán đang ngày một yếu đi. Đề án tái cấu trúc của UBCK cho thấy nhóm ngành này chắc chắn phải trải qua những biến động lớn.
Nhà đầu tư thất vọng khi chỉ số VN-Index giảm sâu. Ảnh: KIM NGÂN |
Cổ phiếu bất động sản cũng chẳng khá hơn mặc dù đã có Chỉ thị số 2196 của Thủ tướng Chính phủ về “một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản” và nhiều ý kiến cho rằng chứng khoán cũng mơ được “giải cứu” như vậy.
Trong khi đó thực tế khó khăn trên thị trường này vẫn chưa được cải thiện vì áp lực “xả hàng” vào cuối năm ngày một lớn. Do đó, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, vốn được các quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ với tỷ trọng lớn, cũng bị bán tháo không thương tiếc.
Tính từ đầu tháng 12-2011 đến nay, khối ngoại cũng đã bán ròng hơn 128 tỷ đồng trên HOSE và gần 15 tỷ đồng trên HNX. Các cổ phiếu có vốn hóa lớn như STB, VCB, CTG, DPM, BHV, HAG bị các nhà đầu tư ngoại lần lượt bán ròng, bất chấp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có khá hơn.
Còn nhớ phiên tăng điểm hiếm hoi vào ngày đầu tuần trước (5-12) chính nhờ xuất phát từ thông tin giảm lãi suất cho vay. Ngay sau đó, nhiều quan điểm cho rằng, việc hạ lãi suất lúc này chưa thích hợp. Thị trường như con bệnh đang uể oải và chỉ bật dậy trong phút chốc khi có liều nhân sâm rồi lại tiếp tục chìm vào cơn ngủ đông.
Diễn biến của thị trường hiện nay cho thấy các nhà đầu tư đang tìm cách bán tháo cổ phiếu trước tình hình mà tin tốt thì ít, còn tin xấu ngày một xấu hơn. Niềm tin của họ đang bị sụt giảm nghiêm trọng!
NAV có xuất hiện?
Thông thường những năm trước đây, thời điểm cuối năm sẽ có một đợt sóng để làm đẹp báo cáo giá trị tài sản ròng (NAV) của các công ty tài chính, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán đối với danh mục đầu tư đang quản lý. Đây là hoạt động làm đẹp thành tích trong một năm hoạt động.
Theo đó, các tổ chức này thường có xu hướng mua vào các cổ phiếu có tỷ trọng giá trị lớn trong danh mục để đẩy giá cổ phiếu lên cao nhằm làm tăng NAV vào ngày kết thúc năm, dù giá cổ phiếu không còn hấp dẫn so với các chỉ tiêu cơ bản. Động thái này tác động tích cực đến Index có xu hướng tăng điểm vào thời điểm báo cáo.
Tuy nhiên, chỉ còn không đầy hai tuần nữa kết thúc năm tài chính 2011 nhưng thị trường vẫn đang lặn sóng NAV. Trên thực tế, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đã không còn lớn và việc các nhà đầu ngoại gần đây trở thành cổ đông lớn của một số công ty đã chưa đủ sức để tạo điểm tựa cho thị trường. Nhiều quan điểm cho rằng, không nên kỳ vọng vào sóng NAV cuối năm nay.
Bởi thông tin cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài đang bị rút mạnh ở các thị trường mới nổi. Các tổ chức đang tìm cách rút lui khỏi thị trường và có cơ hội sẽ thoát hàng, nên việc tạo sóng là rất rủi ro trước áp lực bán tháo từ nhiều phía. Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang chịu áp lực đóng quỹ vào năm sau khi hết thời hạn hoạt động.
Năm tới là năm của tái cấu trúc kinh tế và giải quyết các vấn đề khó khăn của nền kinh tế. Các ngành ngân hàng, chứng khoán sẽ phải tiên phong thực hiện tái cấu trúc để lành mạnh hóa thị trường và nâng cao năng lực tài chính. Riêng đối với các công ty chứng khoán sẽ đối mặt với việc ai còn ai mất là điều khó tránh khỏi. Do vậy, khó có thể kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong thời gian ngắn. Như vậy, kỳ vọng liều thuốc NAV vẫn chỉ là một giấc mơ.
Theo SGGP.