Đại lộ Võ Văn Kiệt, một trong những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG |
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong tái cấu trúc đầu tư công cần có giải pháp trước mắt và giải pháp trung dài hạn.
Giải pháp trước mắt cần tập trung khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và đầu tư thiếu đồng bộ đã tồn tại từ nhiều năm nay; phải xử lý được mâu thuẫn hết sức cam go một bên là vốn đầu tư có thể huy động được là rất có hạn và một bên là nhu cầu, yêu cầu vốn đầu tư của các dự án đã quyết định đầu tư là rất lớn.
Như vậy, thay đổi đầu tiên là cơ chế lựa chọn, phân bổ vốn đầu tư cho các ngành, địa phương nói chung và các dự án cụ thể nói riêng.
Về trung và dài hạn, phải xây dựng khung hay kế hoạch đầu tư trung hạn để quản lý đầu tư công; phải thay chế độ phân cấp và phối hợp thực hiện đầu tư giữa các địa phương với nhau, giữa trung ương và địa phương để các dự án đầu tư công bổ sung cho nhau, phối hợp với nhau, tận dụng được lợi thế quy mô, qua đó, phát huy được lợi thế của từng địa phương, vùng và ngành nghề khác.
Theo TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia, cơ cấu lại đầu tư công không hẳn là phải cắt, giảm vốn đầu tư mà điều quan trọng là phải tăng tính hiệu quả của các dự án. Hiện nay đã có nhiều văn bản pháp luật quản lý về đầu tư công nhưng chưa đồng bộ và hợp lý. Ví dụ Luật Đấu thầu rất cụ thể chi tiết, nhưng đấu thầu vẫn có “quân xanh, quân đỏ”.
Trong khi đó, theo TS Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, trong dài hạn để định vị đầu tư công cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng tính công khai và phản biện xã hội đối với đầu tư công. Có như vậy mới thực sự nâng cao được chất lượng đầu tư công.
Một số ý kiến đề nghị, việc thực hiện cắt giảm đầu tư công nên theo nguyên tắc: Giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội; nhà nước rút dần ra khỏi lĩnh vực kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận để dồn sức làm những việc cần cho sự phát triển của đất nước mà các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không thể làm; doanh nghiệp nhà nước tập trung sức vào việc tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên tắc chung là trừ những khu vực đặc biệt, còn lại cái gì nhà nước làm tốt nhất cho nền kinh tế để nhà nước làm; cái gì tập thể làm tốt nhất để tập thể làm; cái gì tư nhân làm tốt nhất để tư nhân làm.
Vì thế, trước mắt, nên xóa những công trình, dự án đã thấy trước là không có hiệu quả. Vấn đề này cần làm song song với việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Liên quan đến lĩnh vực tái cấu trúc DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng cần sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chí phân loại DNNN theo ngành nghề, lĩnh vực; thực hiện sắp xếp các DNNN hiện có thành các nhóm doanh nghiệp và có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm.
Bên cạnh đó, cần tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị doanh nghiệp; đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với DNNN.
|
|
Theo SSGP.