Cần vốn lớn, lấy đâu ra?
Nhận thấy thực trạng yếu ớt của hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hổ trợ (CNHT) Việt Nam hiện nay là thiếu vốn để đổi mới, đầu tư công nghệ, Bộ Công Thương đã đề xuất thành lập Quỹ đầu tư CNHT. Quỹ này sẽ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động tín dụng, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho DN; đồng thời, ủy thác cho vay ưu đãi... Ngân sách dự kiến của quỹ trong 3 năm đầu là 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự thảo cũng kiến nghị, các dự án sản xuất sản phẩm CNHT được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư với lãi suất cao tối đa cũng không quá 80% lãi suất vay thương mại bình thường (cho thời gian vay từ 10 năm trở xuống).
Liệu các chính sách mới có đủ mạnh để giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển? |
Hầu hết các DN nhận xét, thành lập được Quỹ đầu tư CNHT là điều đáng mừng, song có không ít ý kiến băn khoăn về nguồn vốn. Số tiền 2.000 tỷ sẽ huy động từ đâu? Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Và, kể cả khi huy động đủ 2.000 tỷ trong 3 năm đầu thì cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu rất lớn của các DN. Chẳng hạn, để sản xuất được vỏ điện thoại cung cấp cho Samsung Việt Nam, doanh nghiệp cần khoản 500 triệu USD đầu tư công nghệ, phần mềm. Với công nghiệp ôtô, để sản xuất động cơ công suất 100.000 sản phẩm/năm ít nhất cũng cần 100 triệu USD, sản xuất thân vỏ xe 100.000 sản phẩm/năm cần 120 triệu USD. Số vốn trên không chắc là đủ, dù chỉ là hỗ trợ lãi suất nếu nhiều DN cùng lúc đều muốn xin hỗ trợ.
Trong khi đó, Việt Nam hiện mới có 656 DN sản xuất linh kiện phụ tùng trên tổng số hơn 58.000 DN trong ngành công nghiệp - con số rất nhỏ bé. Nếu so với Thái Lan, chỉ riêng sản xuất linh kiện cho công nghiệp ôtô đã lên đến trên 2.000 công ty. Rõ ràng, chúng ta cần phát triển một lượng DN hùng hậu mới có thể đáp ứng nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (khoảng 45% năm 2020 và 60% năm 2025). Tất nhiên, sẽ cần một nguồn vốn cực lớn.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), nguồn tài chính của quỹ chủ yếu nên trích từ Ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn, Thái Lan hàng năm bỏ ra 10% số tiền thu từ thuế ôtô để thúc đẩy CNHT. Việt Nam thu được 2 tỷ USD/năm từ thuế, phí mà không đầu tư lại cho ngành đồng nào. Chỉ cần chi 12% số tiền trên cho CNHT ôtô thì ngành sẽ phát triển tốt.
Đó là chưa kể những ngành khác cũng cần số tiền lớn, mà chắc chắn ngân sách Việt Nam khó cáng đáng nổi.
Lãi vay cao, DN nản lòng
Ngoài ra, với đề xuất “các dự án sản xuất CNHT được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư, với lãi suất cao tối đa không quá 80% lãi suất vay thương mại”, theo các DN, thì sẽ gặp rủi ro cao. Đầu tư cho CNHT cần vốn lớn, thời gian dài, nhưng lãi suất như vậy quá cao.
Mặt bằng lãi suất của Việt Nam cao hơn gấp 2-3 lần các nước trong khu vực. Với lãi suất cho vay trung dài hạn hiện nay là 10%, các DN được vay từ 8% trở xuống - vẫn cao hơn lãi suất thương mại các nước trong khu vực thì lợi thế cạnh tranh không có. Hiện các nước đang cho ngành CNHT vay ở mức lãi suất từ 0-3%.
Không những thế, thủ tục cho vay ưu đãi của Việt Nam rất phức tạp. Theo ông Huyên, Vinaxuki được Chính phủ đồng ý cho vay dự án sản xuất ôtô theo Chương trình cơ khí trọng điểm từ 2010 nhưng 4 năm nay chưa vay nổi 1 đồng, do Hội đồng thẩm định quá cồng kềnh tới 26 người mà không mấy khi tập hợp đủ.
Lãi suất vay cao, thủ tục rườm rà phức tạp, thời gian kéo dài chắc chắn sẽ khiến các DN nản lòng. Ví dụ mới nhất là dự án sản xuất động cơ ôtô của Công ty Trường Hải, vay vốn ưu đãi theo Chương trình cơ khí trọng điểm, do thủ tục vay kéo dài nên thời cơ qua đi, bị đối tác Hyundai hủy kế hoạch hợp tác.
CNHT của Việt Nam chưa phát triển, việc dựa vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng nguy cơ nhập siêu, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp.
Việt Nam chính thức có chính sách khuyến khích phát triển CNHT từ cuối tháng 2/2011, đã là rất chậm so với các nước trong khu vực, vậy nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, không dự án nào nhận được ưu đãi từ chính sách này. Đến nay, chính sách phát triển CNHT lại được Bộ Công Thương soạn thảo lại. Có vẻ như, số phận của ngành này vẫn chưa thoát khỏi long đong.
Theo Vef