Thông tin từ công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Đầu tư Thương mại Tràng Tiền cho biết, phù hợp với thông lệ hoạt động của các trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp, hàng năm, Tràng Tiền sẽ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại các gian hàng và đổi mới nội thất để luôn tự làm mới mình.
Sau đợt quy hoạch lại dự kiến kéo dài từ tháng 8 đến cuối tháng 11 năm nay, TTTM Tràng Tiền sẽ có một hình ảnh mới với nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm trung cấp và cao cấp như Banana Republic, Just Cavalli, Diesel, Guess, CK Underwear, Roberto Cavalli, Paul and Shark, Furla, Victoria Secret, Triumph, Wacoal, Beyond (Cosmetic), Converse, Vans, Ecco, Timberland, Nautica, Lare boss, Polo World, Mango Kid, Dunkin donuts, Charcoal restaurant (BBQ)…
Trước đó, việc chủ sở hữu khu trung tâm thương mại này là công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền (do Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 90% và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu 10% vốn điều lệ) hợp tác với Tập đoàn IPP của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn nhằm cải tạo, nâng cấp và thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của Tràng Tiền Plaza đã tốn không ít giấy mực của báo giới.
Số tiền IPP bỏ ra lên tới 400 tỷ đồng, chưa kể 3.000 tỷ đồng khác mà các thương hiệu xuất hiện tại đây bỏ vốn vào. Lần cải tạo này dự kiến tiêu tốn khoảng trên 40 tỷ đồng, song theo một lãnh đạo của công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền, trung tâm thương mại này được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi tích cực theo hướng gần gũi hơn và thuận tiện hơn với các khách hàng. Toàn bộ các thang máy, thang cuốn sẽ được thay mới, các gian hàng từ tầng 3 đến tầng 6 được bỏ kính ngăn cách, thiết kế lại theo hướng thân thiện hơn với khách mua sắm, các thương hiệu mới xuất hiện phong phú hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng và sức mua của tầng lớp trung lưu.
Để gia tăng sức cạnh tranh, Tràng Tiền Plaza cũng điều chỉnh chính sách giá cho thuê linh hoạt, tùy thuộc vào diện tích, vị trí, thời hạn thuê và phương thức thanh toán. Những thương hiệu không phù hợp và tự nguyện chuyển đi đều được đảm bảo quyền lợi trên tinh thần thiện chí, hợp tác và hạn chế tranh chấp, khiếu kiện.
Lần cải tạo này, dự kiến Tràng Tiền Plaza sẽ tiêu tốn trên 40 tỷ đồng và trở thành trung tâm bán hàng trung và cao cấp. |
Trước những thông tin cho rằng, việc kinh doanh tại Tràng Tiền Plaza ế ẩm, liên doanh lỗ nặng và Nhà nước không nhận được đồng lợi nhuận nào, vị đại diện trên cho biết, thông tin như vậy là hoàn toàn không chính xác. Thực tế, sự hợp tác giữa công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền và IPP được thực hiện thông qua Hợp đồng hợp tác quản lý.
Theo đó, phía đối tác đảm bảo trả cho công ty lợi nhuận tối thiểu bất kể việc cho thuê các gian hàng đắt khách hay không. Con số cuối cùng có thể được điều chỉnh tăng tùy thuộc vào doanh thu thực tế của trung tâm. Điều đáng lưu ý là quyền sở hữu trung tâm trong suốt thời gian hợp tác luôn thuộc về công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền mà không có bất kỳ sự dịch chuyển nào về quyền sở hữu. Việc quản lý, vận hành Trung tâm được các bên cùng nhau thực hiện thông qua các cán bộ quản lý do mỗi bên cử ra và giám sát, trên cơ sở có sự phân công trách nhiệm rõ ràng.
Hiện tại mức lợi nhuận tối thiểu mà công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền được nhận từ đối tác IPP cao hơn gấp đôi so với lợi nhuận mà công ty được hưởng trước khi Tràng Tiền Plaza có sự “lột xác”. Số liệu của doanh nghiệp cũng cho thấy, kể từ khi Trung tâm chính thức khai trương hoạt động lại từ hồi tháng 4/2013 cho đến nay, doanh thu từ việc cho thuê các gian hàng tại Trung tâm đã tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện cải tạo nâng cấp. Mọi việc hiện diễn tiến theo đúng dự kiến của các bên.
Trong bối cảnh công việc kinh doanh của nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội và các thành phố lớn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc các bên tham gia hợp tác tỏ ra hài lòng với kết quả hợp tác này cũng là điều dễ hiểu.
Trong kế hoạch hoạt động, mỗi năm, Tràng Tiền Plaza có ít nhất một lần sắp xếp, bài trí lại, cứ mỗi 5 năm sẽ có một đợt chỉnh sửa lớn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền nói rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục quy hoạch mặt bằng các tầng trên để TTTM Tràng Tiền không chỉ cao cấp, sang trọng mà còn là một địa điểm thu hút nhiều thương hiệu uy tín, nhiều sản phẩm dịch vụ uy tín và đa dạng hơn nữa để phục vụ được nhiều phân khúc khách hàng trong nước và cả bạn bè quốc tế khi tới du lịch tại Việt Nam”.
Những động thái trên cho thấy, sau thời gian đầu hoạt động trên cơ sở lắng nghe ý kiến phản ánh của khách hàng và các chuyên gia, Tràng Tiền Plaza sẽ đổi mới theo hướng đa phong cách hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu của mọi giới thay vì xây dựng hình ảnh một trung tâm thương mại chỉ dành cho hàng hiệu và giới nhà giàu. Sắp tới, người có thu nhập cao hay khả năng tài chính khiêm tốn đều có thể tìm cho mình món hàng hóa vừa túi tiền trong khu mua sắm này. Ngoài tầng 1-3 chuyên về hàng hiệu đắt tiền, các tầng trên dành cho những thương hiệu giá vừa phải. Trung tâm còn có cả khu ẩm thực, giải trí đa dạng… Sự cộng hưởng của nhiều thương hiệu thuộc mọi phân khúc sẽ giúp cho Tràng Tiền thời thượng nhưng cũng rất bình dân.
Với Johnathan Hạnh Nguyễn, đây là một dự án dài hạn. “Hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu sẵn sàng đồng hành với chúng tôi. Sự đồng thuận, hậu thuẫn lẫn nhau là tiền đề cho thành công. Tôi không đầu tư cho lúc này hay 1-2 năm tới. Tôi ký những hợp đồng dài hạn kèm theo sự cam kết vững chắc. Mới đi vào vận hành, những năm đầu tất nhiên không thể có lợi nhuận cao ngay tức khắc, nhưng thành công sẽ đến nếu đi đúng hướng”, doanh nhân này tin tưởng.
Các thương hiệu xa xỉ đánh giá Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng, có nhu cầu, có đẳng cấp trong số những nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, IPP có 25 công ty gắn liền với việc độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp, doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu USD. Không chỉ nhắm đến người tiêu dùng cao cấp và trung cấp trong nước, Tràng Tiền Plaza còn tập trung vào phân khúc khách du lịch nước ngoài, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong thị trường mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam.
Theo Đầu tư chứng khoán