Chiều 28/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên xác nhận, Chính phủ đang thảo luận, cân nhắc việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế với mục đích đảo nợ.
Theo kế hoạch quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2013 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam cần vay nước ngoài 33.000 tỷ đồng trong năm 2014 và 40.000 tỷ đồng trong năm 2015 để bù đắp bội chi ngân sách.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên |
Trong hai ngày 27 và 28/8, Chính phủ đã tiến hành họp thường kỳ trong đó có thảo luận về phương án phát hành Trái phiếu quốc tế của Chính phủ. Nói về việc này, Bộ trưởng Nên cho biết: “ Đây sẽ là một khoản vay dưới dạng vay đảo nợ”.
Ông giải thích thêm, "Chính phủ có khoản vay xấp xỉ một tỷ đô la Mỹ với lãi suất cao. Nay có cơ hội vay khoản khác với lãi suất thấp nên Chính phủ cân nhắc vay. Tinh thần vay nợ mới là không làm thay đổi số nợ nhưng lãi suất giảm sẽ làm giảm áp lực trả nợ cho Chính phủ". Tuy nhiên con số cụ thể về việc phát hành trái phiếu này chưa được công bố.
Nếu đợt phát hành này diễn ra, đây sẽ là lần thứ ba Chính phủ Việt Nam huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế. Trong 9 năm Việt Nam đã có hai đợt huy động vốn quốc tế năm 2005 (750 triệu USD) và 2010 (1 tỷ USD).
Trước đây, năm 2005 Chính phủ đã có đợt phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York, để vay 750 triệu đô la Mỹ với kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,125%/năm.
Số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Tuy nhiên, do Chính phủ cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên và khoản vay đã không được sử dụng hiệu quả, nên Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho Chính phủ.
Đến năm 2010, Chính phủ lại phát hành 1 tỷ đô la trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore với lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm. Số tiền này được Chính phủ cho các DNNN lớn là tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Vinalines... vay lại.
Theo Đất Việt