Ngàn tỷ nhập tàu cá đồng nát: Khai khống để vay vốn rẻ?

Thứ hai, 18/08/2014, 12:20
"Giả sử nhập những chiếc tàu cá vỏ thép từ năm 1978 trị giá khoảng 10 tỉ, thì trong tương lai Việt Nam có khi sẽ trở thành nước nhập đồ cổ vì đồ cổ càng cổ càng đắt mà", Tổng thư ký Hội Nghề cá nói.

Xoay quanh việc gần đây các đại gia thi nhau xin cơ chế ưu đãi lớn vay vốn lãi suất thấp, miễn giảm thuế nhập tàu cá cũ kết hợp đánh bắt xa bờ gây ồn ào trong dư luận, nhiều ý kiến cho rằng các công ty này đang lợi dụng chính sách ưu đãi từ Nghị định 67, Phóng viên báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hiệp Hội Nghề cá Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Nghệ An.

Ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam

Gần đây công ty Đức Khải và Trí Việt xin cơ chế ưu đãi để nhập hàng trăm tàu cá cũ quá niên hạn theo quy định của VN gây ồn ào trong dư luận, ông đánh giá như thế nào về dự án của hai công ty này?

Như họ nói  thì mục đích của dự án góp phần tạo ra phương tiện hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, nếu quả thật như vậy thì cũng đáng hoan nghênh, ủng hộ tinh thần này. Tuy nhiên chúng ta phải xem xét đến điều kiện họ thực hiện có nghiêm túc hay không? Tàu nhập về có đảm bảo hay không? Có trái với quy định của Nhà nước hay không?

Nhà nước đã có quy định về việc nhập tàu cũ như tàu không được quá 8 tuổi, chất lượng máy phải trên 85%. Vậy thử hỏi tàu 30 - 40 tuổi còn đáp ứng được không, có đảm bảo không? Nếu không đảm bảo thì nhập về để làm gì? Có thể đề xuất của họ là hay nhưng không đáp ứng đủ điều kiện, trái với quy định của Nhà nước thì đề xuất cũng chỉ có thể là đề xuất mà thôi.

Thưa ông, Nghị định 67/2014/NĐ- CP đưa ra nhiều chính sách phát triển thủy sản, nhưng có đề cập đến việc nhập tàu cá cũ không? Theo ông cơ sở nào để những doanh nghiệp này xin ưu đãi từ Nghị định 67?

Tôi cũng đã đọc rất kỹ Nghị định 67 nhưng không hề đề cập đến cơ chế cho vay ưu đãi từ việc nhập tàu cá cũ, không có ưu đãi cho tập thể doanh nhân mua tàu cá cũ.Trong Nghị định quy định rất rõ việc hưởng ưu đãi chỉ áp dụng cho các trường hợp đóng tàu mới hoặc vay vốn để cải hoán nâng cấp tàu đánh cá của ngư dân.

Theo ông, một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đứng ra xin nhập 100 tàu cá cũ và hưởng lãi suất đặc biệt từ quy định hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản như vay vốn 90%, lãi suất 1%/năm, điều này có hợp lý không?

Tôi cho rằng điều này là không hợp lý. Giả sử  doanh nghiệp có hăng hái thì mình cũng phải xem xét thật kỹ điều kiện tàu, chất lượng tàu. Mục đích đầu tư là tạo những con tàu có hiệu quả. Chúng ta hãy quên đi việc đầu tư theo số lượng, nếu đầu tư chỉ tính được mấy nghìn tàu thì sẽ vấp sai lầm.

Ngư dân phải là người trực tiếp đóng con tàu của mình. Nếu có doanh nghiệp tự đứng ra đóng tàu cho họ thuê để đi đánh cá thì tôi e đây là mô hình mà trên thế giới này chưa có. Hay tàu mua về cho ngư dân mượn, ngư dân chỉ việc bỏ sức liệu có hiệu quả không. Ví dụ họ đánh bắt được 10 tấn nhưng chỉ khai 5 tấn thì sao.

Trong dự án có nhắc đến việc mua ụ nổi nhưng nói như TS. Chu Quang Vĩnh thử hỏi chế biến 1 tấn cá mất 5 tấn nước ngọt, khoảng 400 tấn mất 2000 tấn nước ngọt, vậy nước ngọt ở đâu ra, chưa nói đến việc chế biến xong phải đưa vào bảo quản đông lạnh.Việc quản lý tầm xa không thể hiệu quả được nhất là trong nghề cá.

Công ty Trí Việt và Đức Khải muốn mua tàu cá cũ từ 30 đến gần 40 tuổi

Được biết theo điều 5, Nghị định 52 của chính phủ về việc nhập tàu cá, tàu vỏ thép khi nhập về Việt Nam không được quá 8 tuổi, trong khi hồ sơ của hai công ty này tàu đều có độ tuổi từ 30 đến gần 40 tuổi và trị giá trên dưới 10 tỉ đồng/ chiếc. Ông đánh giá sao về điều này?

Tôi cho rằng những tàu quá cũ nát, già cỗi nếu nhập về thì chỉ có thể làm sắt vụn và Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của các nước. Tàu vỏ thép hay vỏ gì đi chăng nữa nếu quá già cỗi thì cho dù sữa chửa, cải hoán cũng không thể đảm bảo được. Hơn nữa công nghệ khai thác của 30 năm về trước có phù hợp với điều kiện hiện nay hay không hay là tiền sữa chữa như kiểu “tiền vá quá tiền may”.

Đáng nói mỗi chiếc tàu có giá trên dưới 10 tỉ thì càng không thể chấp nhận được trừ khi doanh nghiệp khai khống để vay vốn.

Khoảng năm 1996, Nhật Bản cũng có ý muốn cho mình khoảng 200 chiếc tàu composite nhưng mình không nhận.

Theo tôi được biết thì tàu 10 tuổi cũng không có giá 10 tỉ. Giờ giả sử nhập những chiếc tàu cá vỏ thép từ năm 1978 trị giá khoảng 10 tỉ, thì trong tương lai Việt Nam có khi sẽ trở thành nước nhập đồ cổ, vì đồ cổ thì càng cổ càng đắt mà.

Có nhiều ý kiến cho rằng Doanh nghiệp đang tự PR hoặc lợi dụng vốn vay ưu đãi, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Mục đích của họ như thế nào mình không thể biết được. Quan trọng nhất là nhà nước phải xem xét, đừng để họ lợi dụng. Ngay như ngư dân cũng vậy, tôi đã đi nhiều tỉnh và cũng biết có nhiều trường hợp ngư dân họ chỉ muốn vay được vốn còn trả nợ thì tính sau. Do đó bất kể là doanh nghiệp hay ngư dân thì chính quyền địa phương, ngân hàng phải có trách nhiệm xem xét thật kỹ các điều kiện để cho vay. Phải xác định xem lâu nay anh có có khai thác trên biển không hay là bấy lâu làm ở đâu bỗng thấy cơ chế xin vay thì quay về lo chạy vay được vốn còn trả nợ thì tính sau.

Theo ông việc cho vay ưu đãi nên nhắm đến đối tượng nào thì mới đem lại hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Tôi thấy kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là rất đúng, không đầu tư tràn lan mà cần chọn đúng đối tượng để đầu tư, chỉ đầu tư, hỗ trợ người làm nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính, trình độ quản lý khai thác nghề cá.

Quan trọng trong nghề cá là kỹ thuật của người khai thác, con tàu có tồn tại hay không là dựa vào trình độ quản lý. Ngư dân tự quyết định con tàu của mình, khi họ bỏ tiền ra họ sẽ có trách nhiệm hơn và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Nghị định 67 ra đời sẽ là cơ hội vàng cho ngành  thủy sản. Tuy nhiên phải đầu tư một cách thật sự nghiêm túc, phải chú ý tập trung cho từng con tàu một, đảm bảo hoàn thiện hệ thống hậu cần dịch vụ, cảng cá, bến cá, hệ thống sửa chữa bảo dưỡng tàu…và quan trọng là tìm đúng đối tác để đầu tư thì mới đem lại hiệu quả.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích