Vạch mặt Luật chống độc quyền của Trung Quốc

Thứ bảy, 16/08/2014, 15:45
Gần đây, Trung Quốc thực thi luật chống độc quyền với mục đích đưa ra là chống bất bình đẳng xã hội, nhưng đằng sau đó, có vẻ như nước này đang muốn nhắm vào các công ty nước ngoài, CNBC phân tích.

Ảnh: Nelson Ching/Bloomberg/Getty Images.

“Nhiều công ty nước ngoài, nhờ có thương hiệu mạnh đã kiếm được lợi nhuận cao tại thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp đến các công ty rằng họ không nên quá tham lam”, Ben Cavender, một nhà phân tích tại Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc nhận định.

"Họ đang lo lắng về sự bất bình đẳng", ông nói và lưu ý thêm rằng trong bối cảnh đại lục đang suy thoái kinh tế, nhiều người giàu vẫn tiếp tục được hưởng lợi ngay cả khi người tiêu dùng đang khó khăn.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan, hệ số Gini của Trung Quốc (chỉ số phản ánh mức độ tập trung của cải trong xã hội) hiện nay nằm ở khoảng 0,55. Trong khi đó, của Mỹ khoảng 0,45 và chính Trung Quốc năm 1980 là 0,30. Điều này cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc ngày càng "nghiêm trọng".

Các nhà nghiên cứu đo chỉ số Gini từ 0-1, tương ứng với mức độ tăng dần của bất bình đẳng giàu nghèo. Liên Hiệp Quốc cho rằng, khi hệ số này vượt quá 0,4 cũng đồng nghĩa với dự báo tình trạng bất ổn xã hội.

Đầu tuần này, Phòng Thương mại châu Âu tại Bắc Kinh đã đưa ra một đơn khiếu nại công khai về cuộc đàn áp mới nhất trong chính sách chống độc quyền của Trung Quốc. Đó là chiến thuật bất công  nhằm đe dọa các doanh nghiệp nước ngoài.

Các cáo buộc về hành vi độc quyền ở Trung Quốc đều liên quan đến việc ép các công ty phải giảm giá, thậm chí trước khi cuộc điều tra hoàn tất.

Tháng trước, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã nhắm  vào các nhà sản xuất ô tô Đức như Daimler, Audi và yêu cầu các doanh nghiệp này phải giảm giá phụ tùng ôtô.

"Các biện pháp chống độc quyền mới nhất nhắm vào lĩnh vực ô tô nằm trong một loạt đạn được chỉ đạo nhằm chống lại các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, những hành động chống độc quyền đối với công ty nước ngoài không phải lúc nào cũng có lợi cho nhà sản xuất trong nước”, ông David Yang, một nhà phân tích của công ty IHS, cho biết.

Ông Yang cũng lưu ý rằng việc nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp ô tô khiến các doanh nghiệp trong nước mất thị phần nhiều hơn là các thương hiệu uy tín toàn cầu.

"Việc giảm giá của các hãng ôtô nước ngoài chỉ gây áp lực lớn hơn các nhà sản xuất trong nước, vì họ càng gặp phải sự cạnh tranh về giá cả”, ông nói.

“Tương tự như vậy, sữa bột nước ngoài, mắt kính, và các sản phẩm tiêu dùng khác bắt buộc phải giảm giá có thể gây áp lực lớn hơn cho các thương hiệu trong nước”, ông Yang nói thêm.

Dù vậy, IHS dự đoán, các công ty bán lẻ nước ngoài vẫn sẽ bị thiệt hại nếu luật chống độc quyền tiếp tục được thực thi trong 1 đến 3 năm tới.

"Không thể phủ nhận, chiến dịch này có thể mang lại nhiều lợi ích hơn với người tiêu dùng Trung Quốc", ông Yang nhấn mạnh.

Trong khi đó, Cavender lưu ý rằng chiến dịch mới nhất của chính quyền “có thể có mục đích kép”. Nó có thể đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp địa phương và tăng cường sự công bằng cho người tiêu dùng”, Cavender nói.

Nhưng điều đó cũng có thể gây khó khăn cho các công ty nước ngoài trong việc điều hành, ông nói thêm.

"Giờ đây, thử thách lớn nhất đối với một công ty nước ngoài tại Trung Quốc là bạn không biết áp lực nào sẽ đến tiếp theo, ngay cả khi bạn đang gây ra áp lực tương tự với các công ty địa phương. Chắc chắn, điều này sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho việc đánh giá những rủi ro”, Cavender nhận định.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn