Trung Quốc chống doanh nghiệp nước ngoài?

Thứ ba, 12/08/2014, 14:21
Giới kinh doanh quốc tế đang đặt câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc đằng sau chiến dịch điều tra “chống độc quyền” nhắm vào hàng loạt tập đoàn nước ngoài.

Xe hơi Audi trên đường phố Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Street Journal, mục tiêu mới nhất của chính quyền Trung Quốc là Hãng tư vấn Mỹ Accenture, bị điều tra vì có liên quan đến Tập đoàn công nghệ Microsoft. Chiến dịch điều tra của Bắc Kinh những tuần qua diễn ra vô cùng rầm rộ. Cuối tháng trước gần 100 nhân viên chính phủ xông vào các văn phòng của Microsoft khắp Trung Quốc. Mục tiêu tiếp sau là các hãng xe hơi phương Tây như Audi, Chrysler.

Cứng ngoài, mềm trong

"Trung Quốc có bộ máy hành chính cực lớn và mỗi cơ quan có mục tiêu riêng nên khi thực thi luật luôn tìm cách thỏa mãn lợi ích riêng"

Chuyên gia ANGELA ZHANG

Trên thực tế, trước đó Bắc Kinh cũng đã điều tra chống độc quyền hàng loạt công ty nước ngoài trong những lĩnh vực khác như phần mềm, sữa, dược phẩm, bán lẻ nữ trang, đóng gói thực phẩm...

Có thể kể đến tập đoàn sản xuất chip di động Qualcomm đang phải đối mặt với án phạt 1 tỉ USD. Luật chống độc quyền cho phép Bắc Kinh phạt một công ty mức từ 1-10% doanh số năm trước.

Công ty đóng gói thực phẩm Thụy Điển Tetra Pak bị điều tra từ một năm qua. Năm ngoái năm công ty sữa nước ngoài và một ở Hong Kong bị phạt 109 triệu USD... Sau mỗi cuộc điều tra, báo chí Trung Quốc đồng loạt lên tiếng chỉ trích các công ty nước ngoài là vi phạm luật pháp bản địa, bắt chẹt người tiêu dùng Trung Quốc. Theo trang Market Watch, các chuyên gia Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh cho rằng các công ty nước ngoài áp mức giá sản phẩm quá cao.

Ví dụ người tiêu dùng Trung Quốc phải trả 470 USD cho một chiếc iPad Mini, trong khi ở Mỹ giá chỉ là 399 USD. Giá phụ tùng xe hơi ở Trung Quốc cũng cao hơn ở Mỹ. Quả thật sau khi bị điều tra, BMW hay Chrysler tuyên bố sẽ giảm giá sản phẩm.

Tuy nhiên báo New York Times dẫn lời chuyên gia Scott Kennedy - Trung tâm nghiên cứu chính trị và kinh doanh Trung Quốc thuộc ĐH Indiana (Mỹ) - nhận định trên thực tế Bắc Kinh không hề có ý định tiến tới một thị trường tự do hay xây dựng sân chơi bình đẳng. “Họ muốn một sân chơi với những công cụ điều phối phức tạp” - chuyên gia Kennedy nhấn mạnh.

Đại diện một số tập đoàn nước ngoài bày tỏ sự lo ngại Trung Quốc đang dùng luật chống độc quyền 2008 với các công ty nước ngoài để lập hàng rào bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước. Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong cũng đặt câu hỏi: nếu Bắc Kinh thật sự muốn chống độc quyền thì tại sao lại để các tập đoàn nhà nước kiểm soát thị trường nhiều ngành, ví dụ Sinopec và PetroChina thoải mái quyết định giá xăng trong nước?

Bốn ngân hàng lớn là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Công nghiệp và thương mại Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát hệ thống tài chính ngân hàng. Các công ty Trung Quốc như Huawei hay Xiaomi cũng đang thống trị toàn diện ngành viễn thông mà không vấp phải bất kỳ sự can thiệp nào.

Không chấp nhận cạnh tranh

SCMP chỉ thẳng ra rằng việc Bắc Kinh sẵn sàng tấn công các mục tiêu nước ngoài nhưng thả lỏng cho các doanh nghiệp trong nước thao túng thị trường cho thấy đây thực tế là chiến dịch chống các tập đoàn nước ngoài. Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc giải thích rằng chống độc quyền là hành động bình thường ở các nước và không có gì đặc biệt tại Trung Quốc. “Ai mà tin cho được cơ chứ?” - báo SCMP đặt câu hỏi.

Hồi tháng 4, Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc đã gửi một lá thư tới Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, kêu gọi Washington cứng rắn với Bắc Kinh vì luật chống độc quyền “đang được sử dụng để theo đuổi các mục tiêu chính sách công nghiệp của Trung Quốc”. “Rõ ràng Chính phủ Trung Quốc dùng luật này để bảo vệ các công ty trong nước thay vì chấp nhận cạnh tranh” - lá thư viết.

New York Times dẫn lời giáo sư luật Angela Zhang - Trường King’s College London (Anh), người nghiên cứu luật chống độc quyền Trung Quốc - cho biết doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc bởi các cơ quan quản lý nước này thường chồng chéo, muốn giành chiến thắng để đạt thành tích chính trị.

Đại diện một số công ty nước ngoài cảnh báo các cơ quan quản lý Trung Quốc đang mở chiến dịch “chống độc quyền” nhằm hiện thực hóa viễn cảnh “thực hiện cách mạng khoa học công nghệ” để trở thành “quốc gia dẫn đầu” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hồi tháng 6. Khi đó ông Tập khẳng định với các công nghệ chủ chốt trong tay, Trung Quốc sẽ đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia và quốc phòng.

Theo TTO

Các tin cũ hơn