"Trên thị trường chẳng có thiết bị nào có thể tự bay và quay phim bọn mình cả", đây là phàn nàn phổ biến nhất mà Janis Spogis và Edgars Rozentals phải nghe từ bạn bè. Vì thế, hai fan cuồng thể thao người Latvia quyết định tự làm ra một chiếc.
Janis và Edgars có một công ty tên Helico, chuyên bán các thiết bị bay không người lái có trang bị camera. Các doanh nghiệp thường dùng chúng để quay phim hoặc chỉ đạo công việc từ trên cao.
Tuy nhiên, cả hai cũng là những người hâm mộ các môn thể thao mạo hiểm, như lướt sóng theo motor, lướt ván, lướt sóng theo diều và xe đạp BMX. "Khi chơi thể thao, tớ chẳng thể quay phim được. Nhưng các cậu có thiết bị bay không người lái, có camera, các cậu giúp tớ đi", một người bạn của họ gợi ý.
AirDog đang theo sau một người lướt ván. Ảnh: Courtesy |
Và thế là AirDog ra đời. "Nó sẽ bay theo bạn, giống như bạn có người quay phim riêng vậy", Janis cho biết. AirDog là loại thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ, nặng 1,6 kg, có thể gập lại và được trang bị 4 cánh quạt. Nó có thể lắp vừa một camera nhỏ, đặt trên một trục xoay để đảm bảo việc quay phim liền mạch. Tốc độ tối đa của loại máy này là 70km mỗi giờ.
Với một thiết bị cảm biến GPS kích cỡ bằng đồng hồ đeo tay, gắn trên mũ bảo hiểm hoặc cánh tay, AirDog có thể tự động điều hướng camera về phía người dùng và bám sát theo một khoảng cách được cài đặt trước. "Chúng tôi đã sáng tạo ra cả chục công nghệ mới sử dụng bộ cảm biến. Chưa có ai từng làm ra một thiết bị như thế trên thế giới đâu", Janis cho biết trên BBC.
Xưởng của Janis và Edgars hiện có 18 nhân viên, cả chính thức và bán thời gian. Tuy nhiên, họ có tham vọng rất lớn. Janis cho biết nhu cầu quay phim khi đang thực hiện các hoạt động ngoài trời của mọi người ngày càng lớn.
"Nếu đạt được mục tiêu, chúng tôi sẽ trở thành một trong những hãng xuất khẩu lớn nhất Latvia. Việc này sẽ giúp ích cho cả nền kinh tế. Mọi người sẽ biết rằng Latvia cũng có thể có những ý tưởng tuyệt vời, có thị trường và được mọi người đánh giá cao", anh nói.
Janis và Edgars đã tìm đến website huy động vốn từ cộng đồng - Kickstarters. Họ đặt mục tiêu lấy được 200.000 USD cuối tháng 7. Tuy nhiên, cả hai thu được tới 1,3 triệu USD. Đây là dự án huy động được số vốn lớn nhất của Latvia trên Kickstarter.
Họ sẽ bắt đầu sản xuất từ tháng 10. Trước Giáng Sinh năm nay, các mẫu đầu tiên sẽ được chuyển tới hàng trăm nghìn khách đã đặt hàng.
AirDog đang gây tiếng vang tại Latvia. Họ cũng vừa ký một hợp đồng với một công ty Mỹ để tấn công thị trường này. Tuy nhiên, Janis cho biết gốc rễ của công ty sẽ vẫn ở Latvia. "Đây sẽ là minh chứng cho thế giới thấy những thiết bị tuyệt vời này được sản xuất tại Latvia. Nó cũng sẽ giúp các nhà khởi nghiệp trong nước tin tưởng mình có thể sản xuất các thiết bị danh tiếng toàn cầu", anh nói.
Theo VnExpress