Giàn khoan của CNPC.
Chính quyền Tchad đã quyết định rút giấy phép thăm dò của tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc CNPC, bị lên án là đã ngang nhiên vi phạm các luật lệ về môi trường, đồng thời còn có ý định khởi kiện tập đoàn này, RFI dẫn nguồn hãng tin AFP hôm 10/8/2014 cho biết như trên.
Bộ trưởng Dầu khí Djerassem Le Bemadjiel trong cuộc họp báo tại Ddjamerna tối 9/8 tuyên bố: "Chính phủ đã ban hành sắc lệnh hủy 5 giấy phép thăm dò đã cấp cho CNPC". Quyết định này nhằm "tránh nạn môi trường bị liên tục xuống cấp", chứ không phải để "dành chỗ cho các công ty khác".
Hồi tháng Năm, Tchad đã ngưng tất cả các hoạt động thăm dò của CNPC cũng vì cùng một lý do, và đòi hỏi tập đoàn quốc doanh Trung Quốc phải trả số tiền phạt 1,2 tỷ USD vì "các thiệt hại đã gây ra".
Bộ trưởng Dầu khí Tchad cho biết "Hàng mấy chục địa điểm đã bị nhiễm chất độc thải ra môi trường", lên án CNPC luôn mặc nhiên "sử dụng những cách thức không thể chấp nhận được".
Chính quyền Tchad còn loan báo ý định khởi kiện CNPC tại Pháp và tại Ndjamena. Chánh văn phòng Nhà nước Abdoulaye Sabre khẳng định: "Không còn có thể tiếp tục thương lượng hữu nghị được, tất cả mọi nỗ lực đều hoài công... Ngay từ tuần tới, một phái đoàn chính phủ sẽ đến Paris để nộp hồ sơ khởi kiện tại tòa án thương mại về việc từ chối trả tiền phạt. Một đơn kiện thứ hai đã được nộp ở tòa sơ thẩm Ndjamena vì tội xâm hại môi trường và gây nguy hiểm cho sinh mạng con người".
Ông cho biết thêm: "Những người có trách nhiệm của CNPC liên can trong vụ kiện này, và bị cấm rời lãnh thổ Tchad".
Trước đây chính quyền Tchad cũng đã có những xung đột với các công ty Trung Quốc khai thác dầu khí tại nước này. Hồi tháng Ba, các nghiệp đoàn công nhân Tchad làm việc cho một tập đoàn khai thác dầu khí Trung Quốc ở miền Nam đã kêu gọi đình công tố cáo các điều kiện làm việc và đòi tăng lương.
Tchad bắt đầu khai thác các mỏ dầu từ năm 2003, sản lượng năm 2011 là 120.000 thùng dầu/ngày. Thu nhập từ dầu lửa giúp chính quyền hiện đại hóa quân đội, xây dựng mạng lưới đường sá tốt hơn và nhiều công sở. Nhưng một số thành viên xã hội dân sự đòi hỏi chính quyền sử dụng nguồn lợi này vào việc cải thiện điều kiện sống người dân.
Theo Bizlive