1. Chọn việc ưu tiên
Mỗi người chỉ có một lượng ý chí hữu hạn để thực hiện các công việc. Vì vậy, hãy ưu tiên hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất trong buổi sáng. Mỗi ngày, bạn chỉ nên giới hạn làm 4-6 đầu việc. Nó sẽ giúp bạn tập trung giải quyết những gì thực sự cần thiết.
2. Hình thành một thói quen tốt mỗi tháng
Thói quen được tạo ra khi bạn liên tục làm một việc gì đó vào cùng thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập trung hình thành một thói quen mỗi tháng.
Thử tưởng tượng bạn sẽ làm việc hiệu quả thế nào nếu sau một năm bạn có thêm được 12 thói quen tốt. Nếu hiện tại bạn vẫn chưa tập thể dục, hãy cố gắng biến nó thành thói quen tốt đầu tiên. Tập luyện sẽ giúp tăng cường trí lực, cải thiện khả năng tập trung và khiến bạn ngủ ngon hơn.
3. Học cách nói không
Bạn sẽ làm việc năng suất nhất nếu tắt điện thoại và email. Hãy học cách từ chối các cuộc gọi đến, đặc biệt là từ số lạ bởi chúng rất dễ khiến bạn phân tán tư tưởng. Điều này cũng có nghĩa là nói không với bản thân - đừng làm gì khác khi công việc hiện tại vẫn còn dang dở.
4. Sắp xếp công việc hợp lý
Thực hiện một loạt công việc giống nhau cùng lúc sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá thời gian. Vì vậy, hãy gọi tất cả các cuộc điện thoại cần gọi và gửi hết các e-mail cần gửi cùng một lúc.
Bên cạnh đó, đôi khi chúng ta không tìm thấy hứng thú làm việc mà chỉ muốn vui chơi hoặc xem TV. Vậy thì hãy lên kế hoạch thư giãn để giải tỏa căng thẳng. Theo nhiều nghiên cứu, con người chỉ nên làm việc liên tục trong hơn một tiếng rồi nghỉ giải lao, và đừng có ngồi trong nhà cả ngày.
5. Tự động hóa công việc
Hãy lập danh mục Câu hỏi thường gặp (FAQ) hoặc một cơ sở dữ liệu để những thắc mắc của khách hàng được giải đáp ngay mà không cần có bạn. Bạn cũng nên cài đặt chế độ trả lời tự động kèm đường dẫn FAQ trong chữ kí e-mail. Vì thế, thay vì phải cuống cuồng hồi đáp ngay khi khách hàng liên hệ, việc này sẽ giúp khách hàng biết bạn sẽ trả lời e-mail hoặc gọi lại khi thuận tiện.
6. Đừng quá cầu toàn
Bạn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu cứ lo lắng bản thân mắc sai lầm. Bạn sẽ học được nhiều thứ hơn khi bắt tay vào thực hiện, thay vì cứ ngồi tưởng tượng và lên kế hoạch. Bạn nên cảm thấy lo sợ vì đã không làm việc đó, chứ không phải là đã làm rồi. Làm điều mình muốn hiếm khi là sai lầm, bởi nhờ đó mà việc kinh doanh của bạn sẽ phát triển và sinh lời.
7. Không ngừng phấn đấu
Nếu nghĩ công việc của mình đã hoàn hảo, bạn sẽ không tiếp tục cố gắng nữa. Tốt hơn hết là luôn nỗ lực tìm ra cách làm hiệu quả hơn, thay vì loay hoay tìm một phương án hoàn hảo cho mọi chuyện.
Rất nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào để phát triển việc kinh doanh. Câu trả lời là đừng bao giờ để bản thân cảm thấy quá hài lòng.
Theo VnExpress