Không có đường “tiến” cho Tân Sơn Nhất
Dưới sự chủ trì của ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước - cuộc họp Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành phiên thứ 3 kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ đã xem xét và kết luận về Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Hồ sơ dự án được chủ đầu tư là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cập nhật, hoàn thiện theo ý kiến của phiên họp thứ 2 diễn ra vào trung tuần tháng 3.
Không phải là thành viên Hội đồng Thẩm định, ông Mai Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - đến dự cuộc họp với tư cách là khách mời từ địa phương có Cảng Hàng không quốc tế sôi động bậc nhất Việt Nam và tại đây vị Phó Chủ tịch này đã đưa ra những lý lẽ phân tích về sự quan tâm, so sánh giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TP.HCM hiện tại có năng lực thông qua 20 triệu lượt hành khách/năm |
Theo ông Mai Hữu Tín, hiện nay có 20 triệu lượt hành khách qua cảng Tân Sơn Nhất/năm, nếu mở rộng sân bay thì tối đa tăng được 25 triệu hành khách/năm và nếu tăng thêm 5 triệu hành khách thì buộc phải giải quyết các vấn đề về hạ tầng. Dự báo, lượng hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2030 đạt 53 triệu lượt/năm, và trong tương lai gần (5-10 năm tới) nếu dự báo này thành hiện thực thì sẽ giải bài toán quá tải ở Tân Sơn Nhất như thế nào? Ở đây có hai lựa chọn là mở rộng Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, nhưng dù là lựa chọn nào thì cũng phải tính tới tính khả thi và hiệu quả khai thác.
“Về quy hoạch đô thị của TP.HCM, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không phù hợp, bởi khi mở rộng sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.HCM. Về quy hoạch vùng, vị trí Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp, khi hệ thống giao thông kết nối hoàn chỉnh thì hiệu quả khai thác rất cao” - ông Tín cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua và sớm triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, bởi việc xây dựng là phù hợp và cần thiết cả về trước mắt và lâu dài.
Trong khi đó, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng - cho biết: “Tôi nguyên là phi công chiến đấu, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370 nên tôi rất hiểu về hoạt động bay và bảo đảm an toàn bay, việc mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là không thể”.
“Sân bay không chỉ đơn thuần là các công trình mặt đất mà còn là không gian bảo đảm an toàn bay. Vấn đề quỹ đất sử dụng và việc giải tỏa dân cư để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là chuyện không thể. Trong khi đó, cách TP.HCM 50km, Biên Hòa là sân bay duy nhất phục vụ quân sự có thể đưa máy bay xuất kích bảo vệ TP.HCM khi có tình huống chiến đấu. Vì vậy khả năng cải tạo/mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và căn cứ quân sự Biên Hòa để đạt công suất như mục tiêu của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là khó khả thi” - Trung tướng Tuấn nhấn mạnh.
Trung tướng Tuấn khẳng định, về nguyên tắc, cảng hàng không càng rộng càng tốt. Trong bối cảnh lượng hành khách thông qua cảng ngày càng tăng cao thì việc mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là không khả thi, còn Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đảm nhiệm vai trò trung chuyển quốc tế với công suất 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm là rất tối ưu. Trung tướng Tuấn đề nghị thông qua Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Trình Quốc hội dự án sân bay Long Thành trong tháng 10
Tuy chưa có kết quả kiểm phiếu của 16 thành viên Hội đồng Thẩm định là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, nhưng cùng chung những đánh giá về tính khả thi và hiệu quả khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, đa phần các ý kiến của thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước có mặt tại cuộc họp đã tán thành thông qua báo cáo đầu tư Dự án và đề nghị trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua dự án có tổng mức đầu tư 8 tỷ USD này tại kỳ họp vào tháng 10 tới đây.
Việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được khẳng định là cần thiết và phù hợp trong tiến trình phát triển kinh tế |
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cần cập nhật bổ sung các ý kiến góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư sân bay Long Thành và sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất với những lý giải rõ ràng để người dân không thắc mắc và Quốc hội nhất trí phê duyệt.
“Người giải trình tại Quốc hội về dự án này là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hoặc tôi, chỉ một trong hai người. Vì thế, là chủ đầu tư dự án thì Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam phải hoàn thiện báo cáo đầu tư, hồ sơ dự án thật rõ ràng, mạch lạc và có tính khả thi cao. Đừng để khi chúng tôi đứng giữa Quốc hội lại không giải thích được những thắc mắc của đại biểu và nhân dân, khi đó thì không có chuyện Quốc hội thông qua Dự án đâu” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Về quy mô diện tích xây dựng dự án 5.000 ha, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định chưa có dự án nào mặt bằng thuận lợi như dự án này, bởi hơn 1 nửa diện tích là trồng cao su của Nhà nước. Riêng phần đất của người dân giải tỏa để phục vụ dự án, Bộ trưởng yêu cầu cần có chính sách đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư phù hợp để người dân yên tâm và thoải mái khi di rời.
Đây là dự án rất lớn, nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, vì vậy Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định khẩn trương hoàn thiện lại Báo cáo đầu tư và có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8 này. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết sẽ có tờ trình trình Thủ tướng ngay sau cuộc họp.
Theo Dân Trí