Thông tin trên khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của dự án nhập tàu cũ về vươn khơi.
Theo ông Ngọc, tàu cá khi nhập về Việt Nam phải xét nhiều khía cạnh như phải xem thiết kế, chủng loại tàu như thế nào, có phù hợp với ngư trường không, có đảm bảo an toàn khi thiên tai không…
Liên quan đến việc không nhận tàu cá cũ từ các nước, nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho hay, chúng ta không từ chối thẳng thừng việc tiếp nhận tàu cá cũ từ các nước nhưng phải xem tàu cá có đảm bảo, có hiệu quả không thì mới nhận về.
Bởi theo ông, thực tế đã có nhiều mẫu tàu nhận về không phù hợp với điều kiện, ngư trường ở Việt Nam. Một số tàu cũ do các nước tặng, sau khi cải tiến được đem đi đánh bắt thử nhưng hoạt động không hiệu quả.
Ông Ngọc cũng cho rằng, nếu có một công ty nào đó đứng ra đầu tư, hỗ trợ cho ngư dân thì đó là điều đáng khích lệ song cơ quan nhà nước phải đứng ra để hướng dẫn, thông tin đầy đủ, cụ thể để đem lại hiệu quả thực sự.
Mới đây, Cty CP Đức Khải (Cty Đức Khải) trình Thủ tướng, xin cơ chế ưu đãi để thực hiện thí điểm dự án nhập tàu cá cũ, theo đó, công ty này dự kiến sẽ nhập 95 tàu đánh bắt, 5 tàu hậu cần, cùng 2 trực thăng. Tổng giá trị đầu tư khoảng 1500 tỷ đồng, trong đó, Công ty Đức Khải xin vay 90% (1.350 tỷ đồng) với lãi suất ưu đãi 1%/năm, còn lại là vốn tự có, khoảng 150 tỷ đồng.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đào Hồng Đức, Cục trưởng Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản cho biết, công ty Đức Khải có yêu cầu nhập tàu cá vỏ thép sử dụng từ năm 1985, đã gần 30 tuổi.
"Chiếu theo Nghị định 52, với tàu cá đã qua sử dụng muốn nhập về phải không quá 8 tuổi thì tàu cá này đã quá tuổi so với quy định, do đó không thể nhập về Việt Nam”, ông Đức cho biết.
Theo Infonet