Loại hoa này không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng vì có mùi rất thơm mà giá bán phù hợp với túi tiền của đại đa số khách hàng, chỉ từ 1.000 đến 2.500 đồng/cành.
Trước khi trồng, ông Bảy đã đến tỉnh Đồng Tháp tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm. Ông cho biết, hoa huệ thích hợp với nhiều loại đất, có thể trồng bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng ông chọn trồng vào cuối tháng giêng âm lịch để hoa trổ rộ đúng dịp Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5), rằm tháng 7 để bán có giá cao hơn từ 1.000 đến 1.500 đồng/cành so với dịp khác.
Ông Bảy bên những luống hoa huệ xanh tốt. Ảnh Dân Việt |
Trong khâu làm đất, ông Bảy dọn sạch cỏ, cày xới cho đất tơi, lên liếp cao 0,4 mét nhằm tránh bị úng trong mùa mưa và phơi trong hai tuần cho đất khô nhằm hạ phèn, tăng lượng ôxy trong đất, giải phóng nhiều loại khí độc có hại cho cây trồng, tạo điều kiện cho vi sinh vật háo khí trong đất phát triển.
Mỗi liếp có chiều ngang 1,2m, giữa 4 liếp là mương dẫn và thoát nước sâu 0,5m, rộng 0,6 m. Trước khi trồng, ông bón lót 250kg phân DAP/ha và nhúng các củ huệ giống đạt chuẩn (đường kính 1,5cm) vào thuốc trừ sâu diệt mầm bệnh, sau đó trồng thành bụi (mỗi bụi từ 4 đến 5 củ). Kế tiếp, ông lấp đất cho ngập củ giống từ 3 đến 4cm, bụi cách bụi 0,4m, hàng cách hàng 0,4m để dễ chăm sóc.
Trong quá trình tăng trưởng, bụi huệ sẽ phát triển thành hàng chục củ. Xuống giống xong, ông dùng rơm rạ phủ lên mặt liếp một lớp mỏng để giữ độ ẩm cho đất và tưới ngay bằng máy bơm điện, đầu ống nước có vòi sen, bảo đảm huệ không bị gãy thân, giập lá sau này. Mỗi ngày ông tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều.
Một tháng sau khi trồng, ông Bảy làm sạch cỏ trên liếp rồi bón phân thúc lần thứ nhất với 250kg DAP/ha. Sang tháng thứ hai, ông bón thêm 150kg phân u rê/ha. Một tháng sau khi trồng, cây huệ thường bị nhện đỏ và rệp sáp hại lá, ông sử dụng một trong các loại thuốc Nissorun, Kelthan 20EC, Comite, Basudin 10H để phòng trừ, bảo đảm vườn huệ luôn xanh tốt. Trong tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm mưa dầm, huệ dễ bị úng lá, thối củ, ông Bảy sử dụng các loại thuốc Anvil, Topsin, Ridomil phun từ gốc tới ngọn để ngừa bệnh.
Sau khi trồng 80 ngày, huệ sẽ cho hoa “lai rai”, từ 15 đến 20 ngày sau đó sẽ nở rộ, có thể thu hoạch đại trà. Sau đợt thu hoạch này, ông Bảy bón thêm 150kg phân DAP, 150kg urê cho vườn huệ phục hồi nhanh. Từ đó, cứ 5 đến 7 ngày, huệ sẽ nở hoa mới đều đều để ông thu hoạch tiếp. Sau đợt bón phân vừa nêu, 3 tuần một lần, ông bón phân DAP hoặc NPK cho vườn huệ (150kg/ha). Cứ như thế vườn huệ cho hoa trong 2 đến 3 năm mới phải trồng lại.
Hỏi về việc tiêu thụ, ông Bảy cho biết, ông liên hệ trước với bạn hàng ở các chợ lớn tại Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... thỏa thuận về giá mua bán. Hoa huệ loại 1 (cao từ 1m trở lên) có giá 2.500 đồng/cành, loại 2 (cao 0,8 đến 0,9m) giá 2.000 đồng/cành, loại 3 (cao 0,7m trở xuống) giá 1.000 đồng/cành.
Những dịp lễ, Tết giá hoa được thỏa thuận tăng lên nhưng cũng không tăng quá 1.500 đồng/cành. Sau khi khách đặt hàng, gia đình ông bó lại thành từng bó (100 cành mỗi bó) và bao bọc kỹ để hoa khỏi giập, rồi gửi xe khách chuyển tới địa chỉ cho khách hàng. Sau đó, khách hàng chuyển trả tiền cho ông qua thẻ ATM. Cho đến nay chưa có khách hàng nào bội ước với ông.
Ông Bảy ước tính mỗi năm bán được hàng trăm nghìn cành huệ. Ông không tính được tiền lãi mỗi tháng mà chỉ tổng kết theo năm. Ông cho biết, tổng chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công chăm sóc, cắt hoa… mỗi năm khoảng 100 triệu đồng/ha. Trừ các khoản chi phí, từ năm 2009 đến năm 2013 bình quân mỗi héc ta hoa huệ cho gia đình ông lãi ròng khoảng 200 triệu đồng/năm. Với tổng diện tích 2,5 ha huệ, mỗi năm ông thu lãi 500 triệu đồng.
Theo Tintuc