Vì sao Metro Việt Nam thua lỗ vẫn hấp dẫn tỷ phú Thái?

Thứ năm, 07/08/2014, 11:17
Là một trong những doanh nghiệp FDI có con số thua lỗ lớn nhất Việt Nam nhưng công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam vẫn có thể được bán với giá 500 triệu USD.

Ông lớn lỗ khủng

Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) là một trong những doanh nghiệp FDI nổi tiếng ở Việt Nam với chuỗi siêu thị bán buôn Metro. Metro được người dân biết đến vì cung cấp sản phẩm, hàng hóa bán buôn với mức giá cạnh tranh trên thị trường.

Metro Cash & Carry hiện là mảng kinh doanh đem lại nhiều doanh thu nhất cho tập đoàn. Với 19 trung tâm mua sắm, Việt Nam xếp thứ 11 trên 32 nước mà Metro đang có mặt. Tính riêng khu vực châu Á và châu Phi, mạng lưới của Metro Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Trung Quốc với hơn 4.000 nhân viên.

Sở hữu lượng khách hàng khổng lồ và lượng tiêu thụ hàng hóa vượt trội nên Metro khiến nhiều người tin rằng siêu thị này đóng góp khoản thuế không nhỏ vào ngân sách Việt Nam. Thế nhưng, cũng giống như Coca-Cola, “ông lớn” FDI này cũng dính nghi án chuyển giá, gian lận thuế.

Metro Việt Nam có thể được bán với giá 500 triệu USD.

Metro Việt Nam có thể được bán với giá 500 triệu USD.

Metro khiến dư luận nghi ngờ vì sau hàng chục năm hoạt động, Metro gánh chịu khoản lỗ khổng lồ mà không doanh nghiệp FDI nào có được.

Vào thị trường Việt Nam từ năm 2001, Metro nhanh chóng trở thành một thương hiệu lớn được người tiêu dùng tín nhiệm. Thế nhưng, ngược lại với hình ảnh dòng người tấp nập vào Metro khuân đồ về nhà là khoản lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Từ khi bắt đầu bán hàng (2002) đến năm 2012, chỉ duy nhất năm 2010 Metro khai có lãi 116 tỷ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Cục Thuế TP.HCM đã đưa ra những con số thống kê về doanh thu, thu nhập của Metro. Dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên. Cụ thể doanh thu năm 2007, 2008 của Metro lần lượt là hơn 6.607 tỷ đồng và 8.175 tỷ đồng nhưng các khoản lỗ lần lượt là 157 tỷ đồng và 190 tỷ đồng.

Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỷ đồng, số lỗ cũng cao ngất ngưởng 160 tỷ đồng. Năm 2010 Metro có lãi nhưng đến năm 2011, công ty này lại về xu hướng quen thuộc khi khai lỗ 89 tỷ đồng.

Cũng giống như Coca-Cola, dù thua lỗ, Metro vẫn không ngừng mở rộng thị trường. Sau nhiều đợt đầu tư mạnh, hệ thống các siêu thị bán lẻ của Metro lại liên tục tăng và mở rộng tại nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Lý do khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài là do phải tập trung mở rộng đầu tư. Phía Metro giải thích rằng chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn, tương đương 300 - 400 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý.

Do nhiều năm thua lỗ, đến năm 2012, Metro đã lỗ lũy kế 598 tỷ đồng. Sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 công ty này còn lỗ 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Vì vậy, trong suốt thời gian hoạt động, Metro mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu, chứ chưa nộp bất cứ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào

Vẫn có giá 500 triệu USD

Mặc dù liên tục báo lỗ nhưng Metro lại là "miếng mối ngon" của nhiều đại gia thế giới. Trong đó, tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont có vẻ “mê” Metro nhất. Nhiều hơn một lần, công ty Berli Jucker của vị tỷ phú này “gõ cửa” Metro Việt Nam.

Năm 2013, Lan Dhanin Chearavanont rậm rịch hỏi mua Metro từ Metro “mẹ” ở Đức với giá 500 triệu USD nhưng đại gia bán lẻ Đức - Metro Group từ chối lời đề nghị béo bở này. Có lẽ tại thời điểm đó, Metro “mẹ” vẫn chưa muốn bỏ thị trường Việt Nam nên tỷ phú Thái chỉ nhận được cái lắc đầu.

Người phát ngôn của Metro Group khẳng định: “Mảng kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam không phải để bán”. Dhanin Chearavanont không phải người duy nhất hỏi mua Metro. Đại diện Metro cho biết họ đã từ chối nhiều lời đề nghị trước đây.

Dù đàm phám thất bại nhưng Dow Jones trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Chearavanont vẫn rất quan tâm đến mảng bán lẻ của Metro này và có thể quay lại đàm phán. Và Chearavanont thể hiện quyết tâm thâu tóm của mình khi không từ bỏ thương vụ này.

Quá trình đàm phán không được tiết lộ nhưng đầu tháng 8 này, Wall Street Journal cho biết Metro Group tại đã đạt những bước tiến mới trong việc đàm phán với Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker để bán chuỗi đại siêu thị Cash & Carry Việt Nam.  Berli Jucker cũng chính là tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của tỷ phú Dhanin Chearavanont. Giá của thương vụ này được tiết lộ là 500 triệu USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thỏa thuận, hiện tại, vẫn chưa hợp đồng nào được ký kết. Thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh CEO của Metro, ông Olaf Koch đang tìm cách tiết giảm hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của công ty và cải thiện lợi nhuận.

Olaf Koch cho biết ông muốn giảm bớt các thương hiệu khác và tập trung vào Cash & Carry, mảng kinh doanh thực phẩm bán buôn chính của Metro. Nhưng thương vụ với Berli Jucker sẽ là ngoại lệ trong chiến lược này.

Tuần trước, sau khi Metro công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, cổ phiếu Metro giảm mạnh. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Metro giảm tới 26% khi công ty trì hoãn niêm yết cổ phiếu tại Nga do xung đột Ukraine.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn