Mở cửa casino - Người Việt muốn vào chơi còn phải "chờ duyệt"

Thứ sáu, 29/08/2014, 10:03
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, hiện dự thảo Nghị định về kinh doanh Casino vẫn đang được bộ này tập hợp ý kiến của các bộ, ngành… trước khi hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng để trình Thủ tướng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra tối 28/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã trả lời câu hỏi của PV xoay quanh dự thảo Nghị định về kinh doanh Casino, trong đó có điều kiện cho phép người Việt vào chơi casino.

“Tinh thần của Bộ Tài chính khi thực hiện soạn thảo Nghị định về kinh doanh casino là rất thận trọng vì đây là vấn đề nhạy cảm...”- Thứ trưởng Hiếu nói.

Người Việt muốn vào chơi casino tại Việt Nam phải tuân thủ nhiều điều kiện chặt chẽ

Vị Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng “bác” thông tin cho rằng, để được vào chơi tại casino người Việt phải hội đủ một số điều kiện như vé vào cửa 1 triệu đồng, thu nhập 1 tháng phải 15 triệu đồng trở lên… là hoàn toàn không đúng với nội dung bản dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến.

“Có thể Bộ sẽ phải xin ý kiến Bộ Chính trị lần nữa, sau đó mới trình Chính phủ. Chúng tôi phải làm rất thận trọng theo đúng Luật, quy trình ban hành Văn bản pháp luật. Thậm chí, phải làm cẩn trọng và phải qua nhiều khâu hơn, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước đó, trong bản dự thảo Nghị định về kinh doanh Casino đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi có nhiều quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh loại hình này tại Việt Nam. Điểm mới của dự thảo Nghị định gây chú ý là quy định công dân Việt Nam có độ tuổi từ 21 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực tài chính và một số điều kiện về nhân thân có thể được vào chơi tại casino.

Cũng tại cuộc họp báo, đánh giá về tình hình phát triển kinh doanh tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhận định, kinh tế đã có nhiều “tín hiệu” vui.

Nếu trước đây DN FDI góp phần lớn cho xuất khẩu cả nước, thì từ đầu năm tới nay DN trong nước góp phần tăng trưởng xuất khẩu khoảng 11%. Bộ trưởng Nên đánh giá, tuy con số này ít nhưng là nỗ lực lớn của DN trong nước.

Giải ngân ODA khoảng 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Nhưng vốn đối ứng giải ngân cho ODA chưa cao. Riêng lĩnh vực giao thông, con số cần của chúng ta khoảng 28.000 tỷ đồng  nhưng mới đáp ứng được khoảng 20-25%.

Số DN thành lập mới khoảng 47.500 DN, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký bình quân mỗi DN khoảng trên 6 tỷ đồng. “DN có lòng tin, mở rộng sản xuất kinh doanh dù kinh tế còn nhiều khó khăn”- Bộ trưởng Nên lạc quan.

Tuy vậy, trong tháng 8 cũng có khoảng 40.000 DN đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản. Cùng với đó, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng chưa có chuyển biến tốt dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt từ tháng 7; tổng cầu mới nhích lên chút ít….

Vì thế, Chính phủ họp thống nhất, quyết tâm thực hiện trong 4 tháng còn lại một loạt các giải pháp, trong đó đi sâu tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; tìm mọi giải pháp “kích” tổng cầu và tăng trưởng tín dụng.

Dẫn kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, “nếu nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8% là khả thi”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích