Cựu du học sinh 8X mở chuỗi pizza rẻ nhất Việt Nam

Thứ tư, 03/09/2014, 07:57
Với mức giá 29.000 đồng/chiếc, chuỗi cửa hàng Pizza Cones là tâm huyết của cặp vợ chồng trẻ sinh năm 1984, hiện đã trở thành cơn sốt tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM.

Nằm nép trên con phố Bùi Thị Xuân không mấy sầm uất, cửa hàng nhỏ với mặt tiền chỉ rộng chừng 2m của thương hiệu Pizza Cones tưởng như sẽ lặp lại bài toán kinh doanh của các nhà hàng lớn phía đối diện: Ế khách, hẩm hiu… Thế nhưng, từ chính mặt bằng có giá thuê 17 triệu đồng/tháng, với niềm tin thành công và những tính toán không chuyên về cách làm thương hiệu, một cựu du học sinh tiếng Trung 8X đã trở thành người tạo ra cơn sốt đồ ăn nhanh tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 4 tháng, đồng thời nắm trong tay 6 cửa hàng bánh pizza trên toàn quốc, với thương hiệu “chuỗi pizza rẻ nhất Việt Nam”.

Làm nên chuyện từ cơ ngơi nhỏ bé

Gương mặt sáng, ăn vận đơn giản với áo phông trắng và quần ka ki xanh, ông chủ sinh năm 1984 Nguyễn Chí Nghiêm của chuỗi Pizza Cones vẫn còn nguyên vẻ ngoài của một nhân viên văn phòng, dù đã bốn tháng nay anh không còn làm công việc của một người phụ trách xuất nhập khẩu. Điều duy nhất "lạc tông" trong tổng thể nhân viên văn phòng là chiếc túi “thu ngân” anh đeo bên hông, và dáng vẻ mướt mồ hôi khi sửa chiếc máy làm bánh trong phòng bếp chật chội chưa đầy 3m2.

Kể về gian bếp chật chội và cửa hàng có mặt tiền vỏn vẹn 2m trên phố Bùi Thị Xuân, anh Nghiêm thú nhận rằng, để thuê được mặt bằng này, anh đã phải “quần” qua rất nhiều phố Hà Nội. “Chỉ cách đây khoảng 20m trên góc đường đông người kia, một mặt bằng hướng ra Vincom Bà Triệu tương tự cũng có giá đến 35 triệu đồng/tháng, đó là mức giá quá đắt với tôi khi ấy. Còn phố Bùi Thị Xuân lại chưa được lắp đèn đường, trước cửa là nơi tập kết rác, người thuê cửa hàng trước thậm chí để bàn thờ ông địa chỏng chơ góc nhà, bụi rêu bám đầy vì ế ẩm. Thế mà tôi lại chốt hợp đồng thuê, trả trước 6 tháng tiền nhà, và bắt đầu ước mơ xây dựng cửa hàng pizza ốc quế từ cơ ngơi nhỏ bé này”.

Từ du học sinh tiếng Trung, thạc sỹ tài chính, anh Nguyễn Chí Nghiêm lại thành công với vai trò ông chủ của một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Ảnh: NVCC.
Từ du học sinh tiếng Trung, thạc sỹ tài chính, anh Nguyễn Chí Nghiêm lại thành công với vai trò ông chủ của một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Ảnh: NVCC.

Ý tưởng về kinh doanh pizza ốc quế kiểu Việt Nam đến với anh khi được một người bạn giới thiệu về cơ hội kinh doanh sản phẩm hiện đã gấy sốt tại thị trường Ý, Anh, Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc... “Những chiếc bánh pizza nhỏ bán tại kiot ven phố ăn đêm của Đài Loan đã khiến tôi suy nghĩ, bởi ở Việt Nam chưa có loại đồ ăn nhanh này. Sau khi tìm hiểu thị trường, hai vợ chồng cùng nhóm sáng lập đã quyết định mua một chiếc máy làm vỏ bánh hình ốc quế tự động, và cũng ký hợp đồng làm đối tác độc quyền của hãng sản xuất máy tại Việt Nam, nhằm giữ được lợi thế cạnh tranh trong những ngày đầu. Tuy nhiên, để món bánh pizza đặc biệt này thành công ở Việt Nam, phải kể đến công sức của vợ tôi, vừa làm bếp trưởng, vừa làm người quản lý nguồn nguyên liệu của cả hệ thống cửa hàng”.

Từng là bạn học đại học, ông chủ 8X bật mí rằng vợ anh rất ít khi ăn đồ Tây, không thích phô mai và rất khó để mời đi ăn pizza, nhưng để hỗ trợ chồng, chị lại chính là người vào bếp học cách làm pizza, rồi thay đổi công thức cho hợp khẩu vị người dùng Việt. Đến nay, cửa hàng pizza ốc quế của anh đã có tới 7 vị bánh khác nhau, và hàng chục đồ uống đi kèm hợp với nhiều lứa tuổi.

“Để đặt mức giá 29.000 đồng cho một chiếc bánh pizza, tôi cũng phải suy nghĩ nhiều. Nếu giá cao, vốn sẽ thu hồi được nhanh chóng, nhưng không thể trở thành món ăn hàng ngày của giới trẻ. Một chiếc bánh với giá tiền chỉ tương đương một suất ăn sáng hoặc một bữa cơn trưa văn phòng sẽ khiến thị phần của sản phẩm tăng lên nhanh chóng”, cựu du học sinh 8X chia sẻ.

Mở cửa vỏn vẹn 4 ngày, thành công ngoài mong đợi đến với vợ chồng anh khi pizza ốc quế nhanh chóng gây “sốt” trên thị trường, và chỉ một tháng sau, lãi từ cửa hàng đầu tiên đã giúp anh hoàn đủ số vốn bỏ ra ban đầu. Đến nay, chuỗi cửa hàng ăn nhanh với Pizza ốc quế của gia đình anh đã phát triển tới 6 cơ sở trong 5 tháng ngắn ngủi, góp mặt tại Hà Nội, Hạ Long, TP.HCM và Buôn Ma Thuột.

Làm gì để khác biệt giữa một thị trường bắt chước nhanh hơn sáng tạo?

“Chiếc bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ ở con phố Bà Triệu bên kia, hay ngay đầu phố Bùi Thị Xuân này có gì khác nhau? Đều là bán ở lề đường, có quán đông hơn, có quán ít khách hơn, có quán ngon hơn, có quán không ngon. Nhưng người bán cũng chỉ có được những khách hàng quen của mình, bởi họ không có thương hiệu. Giống như những quán bún, miến, cháo nổi tiếng tại phố cổ, họ thiếu thương hiệu, và có thể bị bắt chước bất cứ lúc nào”.

Đưa Pizza Cones về Việt Nam, phát triển nó và tạo ra cơn sốt ngay trong thời gian ngắn, rất nhanh, sản phẩm tưởng như độc quyền của anh Nghiêm lại nhanh chóng bị “bắt chước”. Thậm chí, khi làm logo quán, anh chỉ kịp chụp tấm ảnh chiếc pizza, và lồng vào đó tên thương hiệu, nhưng chỉ 3 tháng sau, một logo tương tự, được thiết kế đẹp mắt hơn đã xuất hiện trên thị trường.

“Khi tôi vào TP.HCM để chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên thì một nhãn hiệu pizza tương tự đã xuất hiện ngay trước đó vài ngày. Cửa hiệu đó rất đẹp, mặt bằng thuê ngay tại phố lớn, thực đơn và giá thành cùng slogan ‘Pizza ốc quế đầu tiên có mặt tại Sài Gòn’, gần như y chang của mình. Tôi chỉ kịp chột dạ ‘mình mất Sài Gòn rồi’. Nhưng thật may mắn, khi đến quán ăn thử, tôi thấy sản phẩm của họ chưa ngon, lớp đế bánh pizza hình ốc quế rất mỏng, dễ rách vỡ, và khác hẳn của mình, nên đẩy mạnh khai trương quán riêng. Mở cửa trùng đúng vào ngày 13, con số mà người làm ăn vốn kiêng kị, nhưng nếu cứ chọn đủ mọi yếu tố hoàn hảo thì có lẽ thương hiệu Pizza cones đã không vào Hà Nội khi trời chuyển sang nắng nóng, không vào TP.HCM trong mùa mưa và đánh mất thị phần vào tay những người quyết đoán hơn. Sau một tuần, chúng tôi đã lấy lại được thị trường, rất nhiều khách hàng trong số đó đến đây, bởi chính cơn sốt Pizza Cones từ Hà Nội, và tôi học được bài học về đòn bẩy thương hiệu".

Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi, nhóm sáng lập và người thân gần như phải làm việc hết công suất mỗi ngày. Hiện tại, gia đình anh đã có chuỗi 6 cửa hàng tại 4 tỉnh thành phố, và dự kiến sẽ mở thêm các cửa hàng cũng như đưa ra hàng loạt sản phẩm mới để liên tục giữ chân khách. Với anh, con đường đã qua giống như một giấc mơ, nhưng tương lại phụ thuộc vào ý chí của bản thân mình. “Tin rằng mình sẽ làm được thì khó khăn nào cũng vượt qua thôi", anh Nghiêm tự tin chia sẻ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích