Đại biểu Thân Đức Nam
Phải cắt đuôi nhóm lợi ích
Thảo luận về tình hình tái cơ cấu kinh tế thời gian qua, các ĐB cho rằng, kết quả bước đầu đạt là do sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, các ĐB cũng tập trung phân tích những hạn chế, kiến nghị bổ sung những giải pháp để quá trình tái cơ cấu DNNN đáp ứng yêu cầu đặt ra.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhận xét, tiến độ tái cơ cấu DNNN chậm so với yêu cầu, chưa chuyển biến mang tính đột phá. “Mặc dù trong những năm qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh từ 12.000 xuống còn 1.000 doanh nghiệp, nhưng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu, thậm chí có công ty chắt đã làm cho tỷ trọng doanh nghiệp trong GDP vẫn ở mức độ cao, chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu, kết quả thoái vốn chưa đạt yêu cầu” - ĐB Khá phân tích.
Mặt khác, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chủ yếu là gia công lắp ráp, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước lắp ráp một chiếc ô tô thì tỷ lệ nội địa chiếm khoảng 40%, nhưng nay chỉ còn khoảng 10%. Nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, Bên cạnh đó một bộ phận người đứng đầu của cơ quan chức năng và doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự quyết liệt vào cuộc.
“Tôi đề nghị lập một bộ ngang bộ để thực hiện chủ sở hữu đối với DNNN, còn chính quyền địa phương chỉ quản lý các doanh nghiệp công ích phục vụ cho ích lợi của địa phương”. ĐB Thân Đức Nam |
Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đề án tái cơ cấu, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, từ đó tránh dựa giẫm, chủ quan, ỷ lại, xin cho. Cần tinh giảm biên chế, khắc phục bộ máy cồng kềnh, thừa thầy, thiếu thợ nhưng muốn giảm biên chế thì cũng không xong, vì đụng đến con anh A, cháu chị B.
“Đã đến lúc cần mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích, nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ sử dụng vốn. Phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn tăng tính chủ động tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn nhà nước phải là ông chủ thực sự khác với ông chủ hờ, thụ động chờ đợi đi xin kế hoạch, xin vốn và xin cả biên chế” - ĐB Khá kiến nghị.
Thành lập bộ quản lý DNNN?
Chỉ rõ tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tổng thể nền kinh tế còn quá chậm, Phó Chủ nhiệm VPQH Thân Đức Nam (ĐB Đà Nẵng) cho rằng: Để chuyển đổi một nền kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, chuyển mô hình tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư sang mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất tổng hợp là nhiệm vụ lâu dài, không thể thực hiện trong vài năm.
Tuy nhiên, cho đến nay chỉ còn một năm nữa là hết kế hoạch 5 năm, mục tiêu tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế như nghị quyết Quốc hội chưa thấy được rõ nét. ĐB Nam kiến nghị, nhà nước nên thoái hết 100% vốn tại các DNNN nhưng cần làm theo lộ trình thoái vốn dần dần. Đồng thời, phải xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với các DNNN còn lại sau khi cổ phần hóa. Nhà nước dứt khoát không còn chủ quản bất cứ DNNN nào, mà chỉ quản lý theo chức năng của mình.
“Tôi đề nghị lập một bộ ngang bộ để thực hiện chủ sở hữu đối với DNNN, còn chính quyền địa phương chỉ quản lý các doanh nghiệp công ích phục vụ cho ích lợi của địa phương” – ĐB Thân Đức Nam đề nghị.
Minh bạch nợ xấu
Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho biết, ông chưa đồng tình cao với đánh giá về khó khăn, xử lý nợ xấu và cần đánh giá đầy đủ, minh bạch hơn.
ĐB này cho rằng, những khó khăn được nêu trong báo cáo còn chung chung, chưa đưa ra cụ thể khó khăn đó nằm ở đâu, từ khâu nào. Chẳng hạn như trong báo cáo nêu thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu. Nếu dùng tài chính công để xử lý nợ xấu thì nguồn đó lấy từ đâu, có được đưa vào dự toán thu, chi ngân sách trước đó hay không.
“Cần nêu cụ thể hạn chế, khó khăn đó để chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề xử lý nợ xấu dưới nhiều góc cạnh, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp hơn” - ĐB Phương phát biểu.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, ĐB Thân Đức Nam nhận xét: Ngân hàng nhà nước đã có nhiều nỗ lực, vừa giải quyết nguy cơ đổ vỡ một bộ phận ngân hàng thương mại yếu kém, vừa thực hiện chính sách tiền tệ phục vụ cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
“Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng thương mại nước ta còn nhiều vấn đề đặt ra phải giải quyết để hướng tới sự phát triển bền vững, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như mong muốn” - ĐB Nam nói.
Trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa (CPH) 99 DNNN với số cổ phần chào bán giá trị gần 19.000 tỷ đồng và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Trong 9 tháng đầu năm 2014 đã sắp xếp 92 DN, trong đó CPH 71 DN. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014 sẽ có 200 DN thực hiện CPH và cuối quý III/2015 toàn bộ DN được phê duyệt phương án CPH để tiến hành bán cổ phần lần đầu. (Báo cáo của Ủy ban TVQH) |
Vẫn chậm xử lý nợ xấu
Báo cáo trước Quốc hội về Kết quả giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8/2014: 3,9%. Trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro là 11,2 nghìn tỷ đồng.
Ngoài số nợ xấu được các tổ chức tín dụng báo cáo, đến cuối tháng 8/2014, có 316,2 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN.
Tính đến ngày 30/9/2014, VAMC đã mua 5.053 khoản nợ của 35 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc là 82,8 nghìn tỷ đồng, giá mua 68 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, bán được hơn 1,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
“Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của VAMC còn gặp một số vướng mắc” – Ông Giàu cho biết.
Theo Tiền Phong