Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Thứ sáu, 31/10/2014, 16:13
Tình hình vĩ mô cải thiện, lạm phát và lãi suất ở mức thấp, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng đến năm mua ròng thứ 14 liên tiếp của khối ngoại.

Trong chuyến thăm gần nhất tới Việt Nam, ông Mike Smith – Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn ANZ  nhận định nền kinh tế đã thay đổi theo hướng tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất với các chỉ số vĩ mô cải thiện. “Đây là điều rất đáng khích lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Mỹ cũng như Australia tăng đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục”, ông Smith nói.

Những báo cáo mới đây của các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao sự ổn định trong môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam. Nhóm nghiên cứu HSBC nhận xét Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2014 dựa trên xuất khẩu, đầu tư nước ngoài trong bối cảnh lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo tháng 10/2014 cũng nhấn mạnh Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng kể với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Động thái này sẽ giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

VPBank-7650-1414744830.jpg

VPBank cùng với VPBS sẽ tổ chức hội thảo về thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 và triển vọng năm 2015 với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.

Ông Barry Weisblatt - người từng công tác tại các tổ chức nước ngoài như Deutsche Bank, CIMB, Bank of America và hiện đang giữ chức Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) phản ánh Việt Nam đang có hình ảnh tốt trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Trong báo cáo sẽ trình bày tại Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam, thực trạng 2014 & triển vọng 2015” tổ chức ngày 4/11 tới, ông Barry nhấn mạnh: “Các tổ chức xếp hạng lớn đều nâng hạng và đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Thị trường tín dụng cũng phản ánh tích cực với chênh lệch giá CDS thấp hơn”.

Những cải thiện từ tình hình kinh tế vĩ mô cũng được thị trường chứng khoán và cộng đồng tài chính quốc tế đón nhận. Theo dữ liệu của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, Vn-Index đã tăng hơn 16%, đứng thứ 10 trong số 30 chỉ số chứng khoán tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng cho biết từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 3.500 tỷ đồng trên thị trường (khoảng 165 triệu USD), sau 13 năm liên tiếp mua ròng tại đây.

Ông Don Lam - Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital tiết lộ rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam đang chờ cơ hội đầu tư thêm, trong bối cảnh giá trị tiền đồng giữ ở mức ổn định, tỷ lệ lạm phát thấp. Theo ông Vương Tuấn Dương - Phó Giám đốc điều hành quỹ đầu tư VOF, trực thuộc VinaCapital, với P/E dự báo ở mức 13 trong năm 2015, so với mức 15 ở các thị trường khác trong khu vực thì chứng khoán của Việt Nam vẫn rẻ hơn so Thái Lan, Indonesia, Philippines. “Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Dương khẳng định.

Chung quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến tích cực trong quý cuối năm và sang cả năm 2015. Với dân số hơn 90 triệu người và đa phần trong độ tuổi lao động, cộng thêm việc nhiều Hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết, Dragon Capital nhìn nhận bán lẻ sẽ là mỏ vàng của Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ được củng cố do tiềm năng trong lĩnh vực bán lẻ”, nhóm chuyên gia này thông tin. Quỹ ngoại lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam ước tính nhà đầu tư bán lẻ đã đổ thêm 140 triệu USD vào tài khoản chứng khoán trong quý III/2014 và khoảng 320 triệu USD từ đầu năm. Con số này cao hơn cả năm 2013 (230 triệu USD).

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đặc biệt quan tâm đến quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam. Theo chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt, đến hết năm 2015, Việt Nam sẽ cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, đây hứa hẹn là những “món hàng mới” cho thị trường chứng khoán trong tương lai. “Nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn rất quan tâm đến cổ phần hóa, sau những ví dụ thành công như Vinamilk, Dược Hậu Giang ”, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư VOF nhận xét.

Bà Pamela Kustas - chuyên gia về thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á của Bloomberg nhận định quỹ ETF sẽ trở thành xu hướng mới trong thời gian tới và mang lại lợi ích đặc biệt cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi quy định không hạn chế tỷ lệ nắm giữ chứng chỉ quỹ và tính minh bạch cao.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng khuyến nghị Việt Nam cần phải cải cách mạnh hơn nữa để giữ vững kết quả trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực ngày càng gay gắt. “Cần nhìn sang các nước khác xem họ đang làm gì, đang cạnh tranh thế nào trong thu hút đầu tư, từ đó tạo sự hấp dẫn hơn nhằm thu hút dòng vốn vào Việt Nam, không để chảy sang quốc gia khác. Thu hút được nhà đầu tư cũng đồng nghĩa sẽ tạo ra được nhiều việc làm, giúp kinh tế tăng trưởng cao hơn”, lãnh đạo ANZ nhấn mạnh.

Các chuyên gia của Dragon Capital cũng kỳ vọng vào những chính sách của Ủy ban Chứng khoán nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức thị trường sơ khai (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trong chỉ số MSCI, mục tiêu nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư quốc tế. Hiên tại, mức mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn khiêm tốn so với Indonesia (2,4 tỷ USD) và Philippines (1,3 tỷ USD), hai thị trường đã được xếp hạng mới nổi của MSCI.

Liên quan đến cổ phần hóa, theo ông Andy Ho, quá trình này cần đẩy nhanh hơn, cung cấp thêm nhiều thông tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp sau khi IPO (phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng) cần nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán, chậm nhất là một năm để đảm bảo tính minh bạch, thanh khoản cho cổ phiếu.

Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đang có dấu hiệu ấm lên, thể hiện qua những con số khá lạc quan của năm 2014, tạo đà cho việc tham gia Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một số hiệp định FTA khác.

Để giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư hiểu rõ tình hình kinh tế vĩ mô, qua đó nắm bắt được các thời cơ mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phối hợp với Công ty chứng khoán VPBS tổ chức Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam, thực trạng 2014 và triển vọng 2015” vào ngày 4/11/2014 tại Khách sạn Melia Hà Nội.

Với các tham luận của các chuyên gia quốc tế đến từ Bloomberg (Bà Pamela Kustas) và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF (ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú tại Việt Nam và Lào), báo cáo phân tích của VPBS cũng như sự phản biện của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước, Hội thảo sẽ đánh giá tổng thể về nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2014 và đưa ra những dự đoán sát thực cho tình hình năm 2015.

Hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp sẽ trực tiếp trao đổi với chuyên gia về các vấn đề của nền kinh tế, qua đó hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp mình trong sự phát triển đi lên của đất nước.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn