Dẫn phượt 600 km trong 2 ngày chỉ thu 1 triệu đồng

Thứ sáu, 31/10/2014, 08:37
Để kiếm được 1 triệu đồng trong 2 ngày, những nông dân dẫn tour phượt nghiệp dư ở Hà Giang phải có một sức khỏe tốt và sự đam mê mới có thể ròng rã xe máy hơn 600 km đường núi.

Thông thường mỗi lần dẫn tour đi phượt (khoảng 2 ngày) ở Hà Giang, anh Vi Văn Biết, một nông dân kiêm hướng dẫn tour ở Đồng Yên, huyện Bắc Quang, Hà Giang kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Anh cho biết: “Làm nghề này ngoài sự am hiểu đường đèo, sức khỏe tốt thì tay lái phải cứng, đủ can can đảm bởi các cung đường phượt rất lắt léo ở Hà Giang”.

Cuối tháng 9 đến tháng 11 là mùa du lịch ở Hà Giag nên anh Biết tranh thủ dẫn tour để kiếm thêm thu nhập. Anh cho biết, không phụ thuộc vào số lượng người của đoàn phượt, anh được trả 500.000 đồng/ngày và 50% tiền xăng xe. Mỗi chuyến phượt thường kéo dài 2 - 3 ngày, cung đường xuất phát từ TP. Hà Giang tính cả đi lẫn về hơn 400 km, trừ tiền xăng 300.000 đồng và tiền bảo dưỡng, anh nhận được 1 triệu đồng.

Cung đường phượt ở Hà Giang nhiều đoạn rất lắt léo khiến những người dẫn tour rất vất vả. Ảnh: NVCC.

Cung đường phượt ở Hà Giang nhiều đoạn rất lắt léo khiến những người dẫn tour rất vất vả. Ảnh: NVCC.

Để kiếm được số tiền này, anh Biết phải chịu trách nhiệm thuê xe máy, đảm bảo có nơi ăn, nghỉ theo nhu cầu của khách, đón và hướng dẫn đoàn bám sát nhau trong cả chuyến đi. “Nếu đường bằng phẳng thì chẳng nói làm gì nhưng hầu hết các cung đường ở Hà Giang rất nguy hiểm, nhiều đoạn, xe máy phải duy trì số 1, số 2. Do đó, người dẫn tour vừa là người dẫn đường, vừa phải bám chốt nên khá vất vả”, anh Biết chia sẻ.

Thực chất một chuyến đi ngắn nhất tại Hà Giang cũng mất đến 2,5 ngày, nhưng nhóm dẫn tour của anh chỉ nhận số tiền 2 ngày. Từ nhà anh Biết đến TP. Hà Giang cả đi lẫn về hơn 200 km. Do đó, mỗi lần tiễn đoàn khách anh lại tiếp tục chạy xe hơn 100 km, về đến nhà cũng vừa 1 - 2h sáng. Dù công việc vất vả nhưng anh Biết cảm thấy khá hài lòng. Anh chia sẻ: “Làm nông thu nhập chẳng được bao nhiêu nên dẫn tour vừa thỏa mãn đam mê dịch chuyển lại có thể thăng thêm thu nhập”. Sau mỗi lần dẫn tour, anh Biết đều trích một khoản làm từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo ở vùng cao.

Người dẫn tour phải luôn khá vất vả khi phải bám sát đoàn. Ảnh: Ngọc Lan.

Người dẫn tour luôn khá vất vả khi phải bám sát đoàn.

Chị Nguyễn Khánh Hà (40 tuổi) cũng là một thành viên trong nhóm dẫn tour nghiệp dư. Là giáo viên tiểu học Nguyễn Trãi (Bắc Quang, Hà Giang) nên chị thường nhận tour 2 ngày cuối tuần. Chị cho biết, lương giáo viên tiểu học không đáng bao nhiêu, hơn nữa, chị rất đam mê phượt nên nhận dẫn đoàn, vừa được ngắm cảnh lại tăng thu nhập.

Chị Hà từng đi tăng cường giáo viên hơn 3 năm ở Đồng Văn, hơn 40 lần đi phượt xe máy tại các điểm du lịch ở Hà Giang nên các cung đường ở đây chị nắm rõ như lòng bàn tay. Một tour phượt ở Hà Giang xuất phát điểm từ TP. Hà Giang đến Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc…cả đi lẫn về chừng 352 km, trừ các chi phí chị được khoảng 750.000 đồng/2 ngày.

Các đoàn lên Hà Giang chủ yếu là đội phượt hoặc tình nguyện, phần lớn đi xe máy. Cung đường ở Hà Giang rất khó đi nên nếu ai tay lái không vững hoặc tâm lý bất ổn sẽ khó có thể điều khiển xe. Dày dặn kinh nghiệm đi phượt đường đồi núi nhưng mỗi lần qua đoạn qua dốc Bắc Sun, chân cổng trời Quản Bạ, Bách Định, Na Khê, dốc 3 khoanh, cua M,… chị Hà cũng không khỏi toát mồ hôi.

Chị cho biết, cả tuyến đường là những thử thách. Có chỗ cua rất hẹp, dốc thẳng đứng, người lái phải đi số 1, số 2, thậm chí nhiều người sợ quá còn dong bộ. Đặc biệt những ngày mưa, đường rất trơn, nhiều đoạn nhỏ lại không có thành chắn nên chực rơi xuống vực. Nếu người yếu bóng vía chắc không dám nhìn xuống dưới.

Dẫn phượt 600 km trong 2 ngày chỉ thu 1 triệu đồng

Chị Hà trong một lần dẫn tour phượt ở Hà Giang. Ảnh: NVCC.

Tuy không được học bài bản về cách dẫn tour, nhưng chị Hà được khách hàng rất ca ngợi. Anh Tuấn Anh, trưởng nhóm tình nguyện ở Hà Nội từng nhờ chị Hà hướng dẫn chia sẻ: “Ban đầu thấy người hướng dẫn là con gái mình cũng lo lắng. Nhưng sau 1 ngày trải nghiệm, tất cả mọi người đều phục chị. Không chỉ có trách nhiệm, nhanh nhẹn mà chị ấy lái xe rất giỏi. Có đoạn cua dốc đứng cả đoàn sợ xanh mắt, nhưng chị cười suốt, vượt lên dẫn đầu đoàn như không có sợ hãi gì”.

Cũng theo anh Tuấn Anh, cả đoàn 40 người bỏ ra số tiền 500.000 đồng/ngày để thuê người dẫn tour quả thật không lãng phí. "Nhiều khi mình còn cảm thấy sức lao động họ bỏ ra quá nhiều so với số tiền nhận được", anh Tuấn Anh nói.

Anh Định, một thợ sửa máy lạnh ở Quản Bạ, Hà Giang cho biết, một phần do kinh tế kém, lại có niềm đam mê với phượt nên anh nhận dẫn tour cho các đoàn tình nguyện hoặc đoàn du lịch phượt từ các nơi. Anh cho biết, mùa hoa tam giác mạch năm nay, khách đặt hướng dẫn kín lịch, có lần 2 tuần liền anh không kịp về thăm nhà.

Theo anh, đi du lịch Hà Giang phải đi xe máy mới thú vị. Hầu hết các đoàn phượt đều đi lần đầu nên không biết đường. Thường vào mùa, các dịch vụ ở đây không đủ cung cho du khách nên nếu  họ không chuẩn bị trước thì khó có thể thuê xe máy, dễ bị chặt chém, thậm chí phải ngủ đường, ngủ chợ vì không thuê được nhà nghỉ.

Dẫn phượt 600 km trong 2 ngày chỉ thu 1 triệu đồng

Người dẫn tour tại Hà Giang phải có đủ sức khỏe, tinh thần tốt để dẫn đoàn. Ảnh: NVCC.

Do là hướng dẫn nghiệp dư nên anh Định chỉ lấy tiền dẫn 500.000 đồng/ngày. Anh cho biết, số tiền ấy nhỏ so với đoàn nhưng rất lớn với anh. Mức giá anh lấy rẻ hơn nhiều so với người dẫn chuyên. Là người bản địa, từng lên bản nhiều lần nên mọi ngóc ngách từ chỗ ăn ngon, nhà nghỉ rẻ cho đến điểm dừng chân chụp ảnh, ngắm cảnh… anh thuộc lòng. Nhiều người hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng phải thua xa.

Anh Phạm Huy, một khách du lịch được anh Định dẫn tour chia sẻ, những người dẫn tour phượt tại Hà Giang không qua lớp đào tạo, họ là những người nông dân, anh thợ sửa máy, thậm chí là  giáo viên... nhưng còn chuyên nghiệp hơn cả hướng dẫn viên.

"Đầu tháng 10 năm nay, đoàn tôi có 64 người đi du lịch Hà Giang nhưng không một ai biết đường. Mọi người quyết định thuê người hướng dẫn ở Hà Nội. Tuy nhiên, đi được gần 100 km đường cao nguyên, người hướng dẫn sợ hãi và bị run tay không điều khiển được xe máy.

Sau đó, cả đoàn phải nhờ anh Định thay thế. Do là người bản địa nên anh rất xông xáo và cái gì cũng biết. Sau chuyến đi 2 ngày, đoàn trả anh ấy 2 triệu đồng, nhưng anh từ chối, chỉ lấy 1 triệu đồng theo hợp đồng và một nửa số tiền đổ xăng. Trước khi chia tay, anh ấy cười: “Số tiền còn lại, các bạn cứ góp vào quỹ từ thiện Thiện Tâm để ủng hộ các trẻ em cao nguyên đá Đồng Văn”, anh Huy kể.

Theo Zing

Các tin cũ hơn