Ông Hà Văn Thắm
Cuối tuần trước, vụ việc ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, đã gây sự chú ý của không chỉ dư luận xã hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội đang tham dự kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII cũng rất chú ý đến vụ việc này và bày tỏ quan điểm khá rõ ràng trước báo giới.
Sự việc trên được chú ý bởi trong thời điểm này, hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn đang được xúc tiến và ngành ngân hàng đang phải đối mặt, xử lý nhiều vấn đề “nóng” như: nợ xấu, sở hữu chéo, tăng trưởng tín dụng thấp…Và Quốc hội cũng đang và sẽ bàn kỹ về những vấn đề này trong những phiên họp thì một sự kiện đáng quan tâm như vậy không khỏi khiến đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tuy nhiên, qua trao đổi với giới báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội khá giống nhau ở quan điểm cho rằng, việc xử lý các việc làm sai trái của ngân hàng này, ngân hàng kia cũng là việc bình thường. Bởi vì, đã có hoạt động, có những hành vi vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, không chỉ ở ngành ngân hàng mà bất cứ ai.
Ở thời điểm này, việc xử lý một cán bộ cấp cao có dấu hiệu phạm pháp của một ngân hàng có qui mô không nhỏ như vậy (Ocean Bank vốn điều lệ 5.350 tỷ đồng) cũng là một hoạt động cần thiết trong những cố gắng làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, một việc cần thiết trong các hoạt động tái cơ cấu ngân hàng.
Tất nhiên, cũng có những mối lo ngại nhất định về ảnh hưởng của sự việc này đến tâm lý của những người lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác. Nhưng qua mấy ngày xảy ra sự việc, những dấu hiệu trên thị trường cho thấy, Ocean Bank vẫn hoạt động tương đối ổn định và không có những ảnh hưởng xấu đáng kể nào đến thị trường và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa phải ra tay can thiệp, bình ổn.
Điều đó cho thấy, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã nhận thấy, hoạt động tư pháp với các tổ chức tín dụng để đảm bảo cho tổ chức tín dụng đó hoạt động đúng pháp luật là điều cần thiết.
Trước ông Hà Văn Thắm, cũng đã có một số cán bộ một số ngân hàng có quy mô lớn hơn nhiều Ocean Bank như vụ "bầu" Kiên, ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB; ông Phạm Công Danh-nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần xây dựng Việt Nam…cũng bị truy tố, xét xử vì những tội danh khác nhau.
Nhưng trong quá trình xử lý pháp luật với các “đại gia” ngân hàng này, cũng không có những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể nào đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, đến thị trường tài chính…
Ngược lại, sau một thời gian diễn ra các sự việc trên, cùng với sự hoàn thiện khung khổ luật pháp, hệ thống ngân hàng rõ ràng đã hoạt động ổn định và lành mạnh hơn so với thời kỳ trước đó.
Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đều nói đến những vấn đề này và những tiếng nói có trọng lượng của họ trên nghị trường đang giúp cho người dân, cử tri hiểu rõ hơn thực tế tình hình ngành ngân hàng.
Có thể cũng có những “đại gia” ngân hàng có những mối quan hệ "rộng" nhất định, và có thể có lúc họ thất thế. Nhưng không có quan hệ nào có thể bảo hộ cho họ thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp một khi, họ có những việc làm sai trái, vi phạm quy định của pháp luật, của ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, của người dân và tổ chức tín dụng khác.
Một thông điệp rõ ràng trong nhiều phát ngôn của các đại biểu Quốc hội trước báo chí cho thấy: dù anh có “quan hệ” tới đâu, nhưng để tổ chức tín dụng của mình tồn tại và phát triển, điều trước hết phải làm: hãy kinh doanh, hoạt động theo đúng khung khổ pháp luật.
Theo Bizlive