Báo Mint (Ấn Độ) ngày 3/6 đưa tin Công ty Videsh Ltd thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ vừa có động thái nhằm ủng hộ lập trường của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc (TQ).
Videsh Ltd thông báo sẽ gia hạn thăm dò dầu khí ở lô 128 thuộc bể Phú Khánh (thềm lục địa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) thêm 1-2 năm sau khi thời hạn kết thúc vào tháng 6 tới.
Năm 2012 Videsh Ltd từng ký thỏa thuận với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) về gia hạn thăm dò dầu khí ở lô 128 thêm hai năm nữa sau khi Tổng Công ty Dầu khí hải dương TQ mời thầu trái phép chín lô dầu khí. Chín lô này nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam và chồng lên các lô dầu khí của Việt Nam, trong đó có lô 128.
Ngày 3/6, binh sĩ Mỹ chuẩn bị cho trực thăng đa dụng MH-60S Seahawk cất cánh từ soái hạm USS Blue Ridge ở Biển Đông. |
Một thành viên trong Hội đồng quản trị Công ty Videsh Ltd nói: “Chúng tôi có chương trình công việc chưa hoàn tất ở lô 128. Chính phủ Việt Nam đang chia sẻ thêm dữ liệu và thông tin mà dựa vào đó, chúng tôi sẽ quyết định vị trí giếng thăm dò sẽ được khoan”.
Thành viên này cho biết quyết định gia hạn thăm dò vì mục đích thương mại và cả mục đích chiến lược.
Giám đốc Viện Nghiên cứu TQ ở New Delhi (Ấn Độ) Alka Acharya nhận định Công ty Videsh Ltd gia hạn thăm dò ở lô 128 là quyết định mang tính chiến lược vì nếu rút khỏi lô 128 sẽ tạo cảm giác Ấn Độ đang đầu hàng trước áp lực của TQ tạo ra ở Biển Đông.
Trong khi đó, đêm 2/6, hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 đã khai mạc tại Kuala Lumpur (Malaysia). Hội nghị kéo dài ba ngày, do Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Malaysia tổ chức.
Báo Bernama (Malaysia) đưa tin phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak ghi nhận các bên tranh chấp ở Biển Đông phải giữ vững nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không tiến hành bất cứ biện pháp nào làm gia tăng căng thẳng và trầm trọng thêm tình hình.
Ông kêu gọi các nước ASEAN và TQ khẩn trương hoàn tất đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Tại Philippines, ngày 3/6, người phát ngôn Tổng thống tuyên bố Philippines ghi nhận các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore đều không nhằm công kích TQ mà chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề tôn trọng pháp quyền để giữ ổn định khu vực.
Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào ngày 4 và 5/6 tại Brussels (Bỉ), báo Yomiuri Shimbun (Nhật) cho biết tuyên bố chung của hội nghị sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và tự do bay qua ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuyên bố chung sẽ bày tỏ lo ngại động thái bành trướng của TQ nhưng sẽ không nêu đích danh TQ. Đây là lần đầu tiên tuyên bố của G7 đề cập đến vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 2/6 tại Biển Đông, soái hạm USS Blue Ridge của Mỹ và tàu vận tải đổ bộ JDS Kunisaki của lực lượng phòng vệ Nhật đã thực hành Bộ quy tắc hành xử trong tình huống đối đầu ngoài dự kiến trên biển (được 21 nước thông qua tại Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14 hồi tháng 4 mới rồi). Ông Richard McCormack - chỉ huy soái hạm USS Blue Ridge cho biết mục đích của thực hành nhằm cho phép các nhóm giám sát trên tàu của Mỹ và Nhật làm quen với quy trình của bộ quy tắc hành xử nêu trên. |
Theo PLO