“Chưa thấy nói gì việc Nhật ngừng ODA cho Việt Nam”

Thứ tư, 04/06/2014, 17:25
Đến giờ phút này chưa thấy ai nói gì, cũng chưa có văn bản nào thể hiện việc Nhật Bản tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng với báo giới sáng 4/6, trước thông tin cho rằng, Nhật Bản sẽ tạm ngừng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội với vốn vay từ nguồn ODA của Nhật được cho là có dính líu đến các cáo buộc tiêu cực, hối lộ liên quan đến Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).

Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Tôi nói rồi, ta vẫn phải nghĩ theo hướng tốt, tích cực".

Bộ trưởng Thăng nói:

- Về ODA của Nhật, các nhà báo nên hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi chưa thấy ai nói dừng cả.

Còn về việc xử lý người vi phạm, phải có quy trình. Vụ việc đang điều tra, bắt người rồi nhưng còn phải có kết luận, đưa ra tòa xét xử.

Hai bên hiện phối hợp chặt chẽ, cả Đại sứ quán Nhật, JICA. Vừa rồi Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Ngoại giao Nhật cũng sang Việt Nam chỉ để bàn về việc đó.

Nhưng nếu thông tin Nhật Bản ngưng cấp ODA cho Việt Nam là đúng thì các dự án giao thông của Bộ sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Tại sao đi đặt vấn đề tiêu cực như vậy? Phải đặt vấn đề là xử lý nghiêm vụ việc xảy ra và phải quản lý chặt ODA trong thời gian sắp tới được tốt hơn chứ.

Riêng dự án đường sắt đô thị số 1 mới bắt đầu thôi chứ chưa có gì lớn, chưa đấu thầu nên chưa ảnh hưởng gì. Hiện dự án vẫn triển khai. Tôi nói rồi, ta vẫn phải nghĩ theo hướng tốt, tích cực. Cả Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản và phía JICA đều đánh giá triển vọng rất tốt.

Qua rà soát, JTC chỉ làm dự án đường sắt, không làm các dự án khác. Đến nay thanh tra vẫn đang làm và chưa có kết luận cuối cùng. Biện pháp thanh tra cần thời gian vì nội dung thanh tra nhiều. Nếu đặt thời hạn, “chạy theo thời gian” thì chất lượng thanh tra không tốt.

Theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm gì để có thể tránh thất thoát khi sử dụng nguồn vốn ODA?

Chúng ta có những bài học thành công và có cả những bài học thất bại. Những vụ việc xảy ra như thế đều phải rút ra những bài học, có giải pháp để tránh lặp lại chuyện đó.

Đã có rất nhiều giải pháp, từ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo là phải làm sao để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Các cơ quan ban ngành phải công khai, minh bạch hơn.

Đã có nhiều giải pháp, nhưng chúng ta cũng thấy là cần có thời gian. Thời gian dài hay ngắn thì thể hiện ở quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ, trong đó có sự giám sát của người dân, của báo chí.

Cũng có ý kiến cho rằng, các động thái và hình thức xử lý của Bộ và cơ quan chức năng sau các vụ tiêu cực vừa qua là chưa đủ mạnh?

Bây giờ chúng ta đang làm, điều tra, đã bắt rồi, nhưng phải có kết luận, đưa ra toà theo quy trình tố tụng. Quan trọng là các giải pháp sắp tới, bao gồm những việc như không để tái phát tiêu cực cũ và không xuất hiện tiêu cực mới.

Hiện tại, Bộ cũng đã cho kiểm điểm trách nhiệm của tất cả các cán bộ liên quan. Trong thẩm quyền của mình, Bộ chỉ làm đến thế thôi, còn có trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền khác trong vấn đề xác định sai đúng, và ở mức độ nào.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn