Johnathan Hạnh Nguyễn - Lê Hồng Thủy Tiên
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Trở về Việt Nam, doanh nhân này đã đầu tư nhiều dự án lớn, trong đó nổi bật là các dự án liên quan đến phân phối hàng xa xỉ. Năm 2013, tên tuổi của đại gia Việt kiều này được biết đến rộng rãi tại Việt Nam với dự án cải tạo trung tâm thương mại Tràng Tiền với số vốn hơn 400 tỷ đồng.
Là ông chủ của IPP hơn 30 năm, nhưng thực tế, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ nắm quyền điều hành trong 20 năm đầu tiên. 10 năm trở lại đây, việc điều hành hầu hết đã được chuyển sang tay vợ của ông, nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên. Bà Thủy Tiên hiện là CEO của IPP, và cùng với 2 người con trai, con dâu, bà trở thành một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam.
Trần Văn Cường - Lê Thị Thúy Ngà
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, cố chủ tịch tập đoàn Nam Cường Trần Văn Cường từng được vinh danh là doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2007. Trong suốt hơn 25 năm gắn bó trên thương trường với nhiều thăng trầm, ông Trần Văn Cường đã đưa nghiệp kinh doanh của gia đình từ ngành dịch vụ vận tải, kinh doanh phân bón sang đầu tư khách sạn, và trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết nổi bật nhất.
Sau khi ông Cường qua đời, vợ ông - nữ doanh nhân Lê Thị Thúy Ngà đã tiếp quản vị trí lãnh đạo từ năm 2010. Hiện vốn điều lệ của tập đoàn đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, trong đó, bà Ngà sở hữu tới 4.000 tỷ đồng.
Phạm Nhật Vượng - Phạm Thu Hương
Là đồng môn cùng trường đại học tại Nga và cùng là những cổ đông sáng lập tập đoàn Technocom tại Ukraine, hai vợ chồng tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam là một trong những cặp đôi quyền lực nhất giới doanh nhân Việt Nam. Nổi danh từ kinh doanh mì gói, ông Phạm Nhật Vượng hiện là chủ tịch tập đoàn bất động sản có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê của Forbes, năm 2014, ông Vượng là tỷ phú duy nhất của Việt Nam với tổng tài sản 1,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu là giá trị cổ phiếu tại Vingroup. Ông cũng có nhiều năm là doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Vợ ông, bà Phạm Thu Hương là một trong năm Phó chủ tịch của Vingroup, và cũng là một trong những doanh nhân giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam, khi liên tục góp mặt trong top 5. Tuy nhiên, bà lại là người rất ít tiếp xúc với truyền thông.
Lê Văn Quang - Chu Thị Bình
Cùng nắm giữ chức vụ chủ chốt tại doanh nghiệp lớn nhất trong ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, ông Lê Văn Quang giữ ghế Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Vợ ông, bà Chu Thị Bình giữ ghế phó để hỗ trợ chồng.
Xuất thân từ kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản và làm trong doanh nghiệp Nhà nước, ông Quang bắt đầu ra riêng khi gặp gỡ bà Bình, một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Minh Phú ra đời năm 1992, khi đó chỉ là một xí nghiệp nhỏ có vốn 120 triệu đồng và phát triển trở thành tập đoàn có vốn hóa lên tới 2.550 tỷ đồng.
Là những cổ đông lớn nhất của tập đoàn, ông Quang và bà Bình cũng trở thành những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Riêng bà Bình luôn nằm trong 10 nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Nguyễn Đăng Quang - Nguyễn Hoàng Yến
Là doanh nhân thành danh tại Đông Âu với mì gói trước khi về Việt Nam và thành lập tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang có số lượng cổ phiếu khá lạ tại Masan. Dù Masan hiện nắm trong tay nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng tại Việt Nam, góp vốn vào ngân hàng và là chủ mỏ vonfram lớn nhất thế giới Núi Pháo, nhưng chính chủ tịch của công ty này lại chỉ có vỏn vẹn 10 cổ phiếu MSN.
Ngược lại, vợ ông, bà Nguyễn Hoàng Yến lại sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị tới hơn 100 triệu USD. Bà Yến là Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Masan Group, Thành viên HĐQT của Masan Consumer.
Nguyễn Thanh Hùng - Nguyễn Thị Phương Thảo
Cũng lập nghiệp tại Đông Âu giống như nhiều đại gia Việt khác, nhưng ông chủ của Sovico Holding lại là người khá kín tiếng. Tập đoàn của vị doanh nhân này đang nắm giữ hàng loạt thương hiệu nổi bật tại Việt Nam, như HDBank và Vietjet Air, đồng thời là sáng lập viên của VIB và Techcombank. Năm 2013, ông Nguyễn Thanh Hùng là đại diện Việt Nam duy nhất tham dự diễn đàn kinh doanh Nga - Singapore (RSBF). Còn vợ ông Hùng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những nữ doanh nhân Việt Nam từng được Forbes vinh danh.
Không giống như các cặp đôi quyền lực khác, dù cùng nắm giữ cổ phần tại tập đoàn mẹ nhưng hai vợ chồng ông Hùng lại chia tách công việc khá rõ ràng tại các công ty con. Hiện tại, ở HDBank, vợ chồng Hùng - Thảo Sovico nắm giữ 6% cổ phần, trong đó, riêng số cổ phiếu của ông Nguyễn Thanh Hùng là hơn 6 triệu. Bà Thảo - vợ ông Hùng là Phó chủ tịch thường trực HDBank, cổ đông sáng lập Sovico Holdings, đồng thời là Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.
Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc
Xuất phát điểm trong ngành mía đường nhưng vợ chồng đại gia Đặng Văn Thành lại phát triển theo những hướng khác nhau. Nếu như vợ ông, bà Huỳnh Bích Ngọc - nữ hoàng ngành mía đường - vẫn kiên trì theo con đường khởi nghiệp của gia đình thì ông Thành lại rẽ ngang sang ngân hàng trước khi trở lại. Ông từng là chủ tịch của Sacombank trong gần 20 năm, trước khi ngân hàng này bị thâu tóm và bản thân ông chủ của nó buộc phải rời ghế.
Hiện tại, ông Thành là chủ tịch Thành Thành Công, còn bà Ngọc giữ chức phó chủ tịch Sacomreal. Chức vụ trước đây của bà Ngọc hiện do con gái bà, nữ doanh nhân 8X Đặng Huỳnh Ức My đảm nhiệm.
Trần Phương Bình - Cao Thị Ngọc Dung
Không giống với những cặp vợ chồng doanh nhân khác, quyền lực trên thương trường của ông chủ Đông Á và nữ tướng vàng trang sức lại đến từ hai ngành kinh doanh khác nhau. Không cùng đứng trong một công ty, nhưng vị trí mà hai vợ chồng doanh nhân Trần Phương Bình - Cao Thị Ngọc Dung đang giữ đều là thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc của DongABank và PNJ.
Rẽ ngang sang ngân hàng khi khởi nghiệp với nghề thầy giáo, ông Bình đã đưa DongABank đạt được nhiều thành công, đặc biệt là thương hiiệu ngân hàng bán lẻ hàng đầu về mảng dịch vụ thẻ. Còn bà Dung từng được vinh danh trong 5 doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam trong Giải thưởng “Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2012”.
Theo Zing