Ông Trần Nguyên, Giám đốc một công ty chuyên mạ vàng ở khu vực Thái Hà (Hà Nội), cho hay, ban đầu nhiều đại gia chỉ có ý tưởng "mạ" hay "dát" vàng một số đồ vật trong nhà như: tay nắm cửa, cổng sắt... để tạo điểm nhấn. Sau vì muốn "độc", "lạ" hơn, nhiều người "mạnh tay" chi đậm để được sở hữu một ngôi nhà dát vàng hoàn toàn.
Một căn hộ dát vàng giá khủng ở Hà Nội. |
Mới đây, công ty ông đã hoàn thành một căn bếp mạ vàng 24k cho một đại gia ở Mỹ Đình. Toàn bộ đồ đạc từ: kệ bếp, bồn rửa, vòi vặn, giá để đồ, một phần của bếp gas... đều được mạ vàng. Nhiều gia đình giàu có còn dát vàng hoàn toàn phần tường, cầu thang bên trong căn nhà.
Thậm chí, đại gia Việt còn rộ mốt độ vàng cho siêu xe để khẳng định "vị thế" của bản thân.Tại một gara ôtô ở Long Biên, HN, hàng trăm người đã đổ về để chiêm ngưỡng sự ra mắt của siêu xe Phantom mạ vàng hình rồng thời Lý. Toàn bộ nội thất, lá chắn, gương chiếu hậu... đều được mạ vàng 24k.
Rolls-Royce Phantom mạ vàng của đại gia Thái Nguyên |
Tháng 11 năm 2013, nhiều người choáng ngợp trước dàn siêu xe hùng hậu của các đại gia Thái Nguyên. Bên cạnh các dòng xe sang Acura, Lexus, Audi... là những mẫu Rolls-Royce màu độc hoặc dát vàng
Cấp độ xài sang theo trào lưu của các đại gia Việt khiến nhiều người phải "hoa mắt, chóng mặt" khi ăn đồ ăn rắc vàng và uống rượu ngoại chứa vàng lá bên trong.
Chiếc bánh rắc vàng của một hiệu bánh tại TP HCM |
Họ mua bụi vàng 24 cara rắc vào thức ăn thay tiêu, bột nêm vì tin rằng nó có thể giúp tăng cường sức khỏe, săn chắc da, bổ sung khoáng chất...
Không ít đại gia Việt đã đãi khách bằng những chai rượu ngoại bên trong lung linh bởi những miếng vàng lá. Họ nghĩ cho vàng vào trong rượu uống sẽ giúp bồi bổ sức khỏe, hơn nữa còn thể hiện đẳng cấp sang trọng, "chịu chơi" và lạ... của người sử dụng nó.
Bầu Kiên như chuyên gia liên tục tự bào chữa tại tòa
Tuần vừa qua, những ngày xét xử bầu Kiên cũng làm nóng dư luận, hầu khắp các mặt báo đều đăng tải hình ảnh bầu Kiên tại tòa cùng những lập luận sắc bén của ông.
Qua nhiều ngày xét xử, bên cạnh nụ cười mỉm và ánh mắt kiên định, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) luôn để lại ấn tượng bằng những lập luận sắc bén và viện dẫn luật chính xác tới từng điều, khoản, nghị định.
Tuy nhiên, sang ngày xét xử thứ 7, mặc những lập luận đanh thép và cả một “bồ” luật, ông bầu khét tiếng một thời ấy vẫn bị Viện Kiểm sát đề nghị cách ly một thời gian dài với những mức án cao.
Bầu Kiên tiếp tục tự bào chữa cho mình trong phiên xét xử ngày 30/5. |
Tổng hình phạt chung cho 4 tội danh của ông Nguyễn Đức Kiên bao gồm tội kinh doanh trái phép, tội trốn thuế, tội lừa đảo, tội cố ý làm trái, cấm đảm nhiệm các chức vụ tài chính, ngân hàng là 30 năm tù, mức phạt kinh tế khoảng 72 – 98 tỷ đồng.
Trước đó, Bầu Kiên đã được HĐXX cho phép tự bào chữa cho mình. Trước tòa, bị cáo Kiên đã xin được phát biểu như một chuyên gia.
Về tội kinh doanh trái phép, bầu Kiên cho rằng mình không phạm luật. Bầu Kiên cho biết: "Không chỉ đầu tư 6 công ty mà đầu tư trên 100 doanh nghiệp, hoạt động gần như toàn diện trên nền kinh tế".
"Ý kiến của các Ban, ngành tôi đọc rất kỹ, và thấy không có dòng nào việc đăng ký kinh doanh phải theo mã 64990 nào đó. Trên đường dẫn giải, tôi được nghe trên Đài TNVN về nội dung làm việc của Quốc hội trong ngày, trong đó có nội dung xóa bỏ ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện. Nếu Quốc hội thông qua thì đây là sự hàm ơn lớn nhất đối với tôi" - bầu Kiên tự bào chữa cho mình.
Liên quan đến tội danh lừa đảo số tiền 264 tỷ của Tập đoàn Hòa Phát, bầu Kiên tỏ thái độ: “Đây là tội danh tôi bức xúc nhất. Tôi là một doanh nhân có tên tuổi mà lại đi lừa đảo bạn thân của mình. Tôi đã chịu nhiều sức ép, để không đẩy bạn bè tôi ở Tập đoàn Hòa Phát vào vòng lao lý”.
Đối với tội trốn thuế, bầu Kiên bày tỏ mình hoàn toàn không hề biết là 6 tháng sau khi hợp đồng ủy thác của Nguyễn Thúy Hương đối với Công ty B&B và hợp đồng ủy thác giữa B&B với Ngân hàng ACB được ký, Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân.
"Tôi là một công dân làm sao mà biết được. Đây là sự áp đặt, quy chụp. Khi nhận lệnh bắt tôi không còn ngỡ ngàng. Tôi biết, tôi đã bị áp đặt vào tội trốn thuế” - bầu Kiên nói.
Đại gia Đặng Thành Tâm đã bớt buồn rầu
So với năm trước, ông Đặng Thành Tâm - Đại biểu Quốc hội từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đi họp với tâm trạng thoải mái hơn nhiều vì đã xử lý được gánh nặng nợ nần.
Là chủ của một công ty về khu công nghiệp lớn bậc nhất Việt Nam - lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề sau vụ gây rối ở Bình Dương và Hà Tĩnh nhưng ông Đặng Thành Tâm cũng không tỏ vẻ quá lo lắng.
Đại gia Đặng Thành Tâm đã bớt buồn rầu - Ảnh: Zing |
Chủ tịch Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc cho biết, các khu công nghiệp của ông không xảy ra xô xát, đập phá do biểu tình. Tuy nhiên, có doanh nghiệp vẫn tạm đóng cửa vì lo ngại vấn đề an ninh, một số nhà đầu tư nước ngoài đã có lịch đến Việt Nam để tìm hiểu cũng tạm ngừng bay…
“Tôi hiểu điều đó là bất khả kháng và mình chỉ có thể tự vận động để hạn chế thiệt hại. Với tất cả những khách hàng lo ngại chưa sang tận nơi tìm hiểu, chúng tôi cho người bay sang nước họ để thuyết phục, đưa các bằng chứng về việc tình hình đã ổn định”, ông Tâm nói.
Trả lời về lý do ít xuất hiện trên truyền thông trong một thời gian dài, đặc biệt là khi nhiều công ty chìm trong nợ nần, doanh nhân này chia sẻ: “Thực ra là có thời gian mình nói lắm quá, thì cần nói bớt đi để lo mà làm thôi. Cái gì cũng thế, nó có giai đoạn thôi. Giai đoạn này không lo tập trung mà làm thì chết”.
Ông Tâm cũng cho biết, với lĩnh vực bất động sản, hiện ông chỉ làm các dự án liên quan đến khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân… Còn dự án siêu khách sạn Lotus với số vốn lên tới 1 tỷ USD tại Mỹ Đình, Hà Nội thì phải chờ đối tác khác với dòng vốn lớn từ nước ngoài.
Người từng làm chủ của tập đoàn đa ngành chia sẻ thêm, sau khi rũ bỏ được lĩnh vực ngân hàng (bán cổ phần tại Ngân hàng Nam Việt), ông tiết kiệm được 50% thời gian.
“Trước cứ phải đi lo chuyện nọ chuyện kia, thu xếp nợ nần… nên rất mệt mỏi. Giờ mình có nhiều thời gian hơn để chơi thể thao cho khoẻ, và tập trung cho khu công nghiệp chứ không lan man nữa”, ông Tâm khẳng định.
Theo Đất Việt