Buổi sáng, Shum Pak-hin đắp mặt nạ, thoa kem dưỡng da ban ngày, kem chống nắng và thỉnh thoảng kẻ mắt. Đến tối, cậu thanh niên 21 tuổi ở Hong Kong (Trung Quốc) lại dùng nước tẩy trang mắt, sữa rửa mặt và thoa kem chống lão hóa.
Quy trình này không hề rẻ tí nào. Shum phải mất 3.000 đôla Hong Kong (387 USD) một tháng cho các mĩ phẩm và đồ chăm sóc da. Món đồ giá trị nhất của anh là kem làm trắng da 2.000 HKD (257 USD) của La Prairie.
"Da của tôi lão hóa nhanh lắm, nhanh hơn người khác nhiều. Chăm sóc da đâu chỉ dành cho con gái, con trai cũng muốn mình ưa nhìn chứ", anh cho biết trên Wall Street Journal.
Diễn viên Hàn Quốc - Rain thường xuyên được chọn quảng cáo mỹ phẩm cho nam giới. |
Shum là một trong rất nhiều đàn ông châu Á đang góp phần thổi bùng ngành công nghiệp mỹ phẩm nam giới tại đây. Khu vực này đóng góp 64% doanh thu (2,1 tỷ USD) toàn cầu năm 2013 với các sản phẩm như kem dưỡng da, kem làm trắng, sữa tắm, theo số liệu của hãng nghiên cứu Euromonitor.
Số liệu này vượt trội so với 286,4 triệu USD của Bắc Mỹ và 682,9 triệu USD của Tây Âu. Trung Quốc là thị trường mỹ phẩm nam lớn nhất thế giới với hơn 970 triệu USD. Số liệu này được dự kiến tăng lên 1,2 tỷ USD năm nay. Xếp nhì là Hàn Quốc, với 635 triệu USD.
Xét về quy mô thị trường, mỹ phẩm nam giới vẫn còn kém xa nữ giới (107 tỷ USD). Nhưng về tốc độ tăng trưởng, thị trường này lại gấp đôi, với 9,4%.
Nam giới gần đây mới bắt đầu chọn các sản phẩm như tinh dầu hay xà phòng dưỡng ẩm làm sạch sâu. Nhưng các hãng làm đẹp đã bắt đầu coi đây là thị trường tiềm năng khi mảng kinh doanh cho nữ giới đã bão hòa.
Nước nhiệt tình nhất trong việc áp dụng khoản này, cho đến nay, là Hàn Quốc. Tại đây, những người nổi tiếng, như ca sĩ hay diễn viên thường xuyên quảng cáo cho các sản phẩm chăm sóc da. Việc này đã khiến mỹ phẩm nam giới ngày càng được chấp nhận. Trung bình, một người đàn ông Hàn Quốc năm ngoái chi 25,3 USD cho sản phẩm chăm sóc da, gấp hơn 3 lần nước đứng sau là Thụy Điển. Châu Á chiếm 5 vị trí trong top 10 về chi tiêu cho mỹ phẩm nam.
"Nhiều nước nghĩ rằng nam giới chăm sóc da là việc làm ẻo lả. Nhưng người Hàn Quốc thì không", Simon Duffy – đồng sáng lập hãng mỹ phẩm Anh - Bulldog cho biết.
Một số chuyên gia thì nhận định việc đàn ông châu Á thích chăm sóc da chỉ đơn giản là để theo kịp những phụ nữ xung quanh họ. “Nếu mẹ bạn chăm sóc da 9 bước, thì bạn cũng sẽ làm 5 bước thôi", bà Nicole Tyrimou - chuyên gia phân tích tại Euromonitor cho biết.
Alexis Perakis –Velat – Phó Chủ tịch L'Oréal châu Á – Thái Bình Dương cho rằng khí hậu là nguyên nhân chủ yếu khiến nam giới tìm đến mỹ phẩm. Trung Quốc và Hàn Quốc tương đối lạnh, khô vào mùa đông, và nóng ẩm vào mùa hè. "Nếu anh sống tại miền trung Trung Quốc vào mùa đông, anh sẽ muốn thoa kem dưỡng ẩm", ông nói.
Đại gia mỹ phẩm Estée Lauder (Mỹ) đang tăng cường nghiên cứu các sản phẩm nhắm đến nam giới. Mảng này của hãng đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm 10% - 12%. Loại kem BB chuyên bán tại thị trường Hàn Quốc giờ cũng được xuất khẩu sang cả Mỹ và châu Âu.
Một số hãng cho biết họ còn rất nhiều việc phải làm để các sản phẩm chăm sóc nam giới bớt nữ tính hơn, đặc biệt là tại các trung tâm thương mại và hiệu thuốc. "Vấn đề lớn nhất là các trung tâm thương mại chẳng có vẻ gì là nam tính cả", Laurent Lautier – Chủ tịch Clarins châu Á – Thái Bình Dương nhận xét.
Dù vậy, Shum cũng chẳng coi chăm sóc da là đặc quyền của phụ nữ. Anh bắt đầu quan tâm đến mỹ phẩm từ năm 17 tuổi sau khi xem bạn mình thể hiện. Anh thậm chí có hẳn một blog về việc làm đẹp. "Trước thế hệ của chúng tôi, đàn ông ghét mỹ phẩm lắm. Nhưng văn hóa thời nay khác rồi", Shum nói.
Theo VnExpress