Ông Ong Seng Yeow – Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu của Tập đoàn MayBank Kim Eng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất non trẻ so với các quốc gia trong khu vực và tiềm ẩn nhiều cơ hội. Xu hướng tăng còn có thể duy trì đến năm 2015.
Ông Ong Seng Yeow - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu của Tập đoàn MayBank KimEng. |
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, ông nhận thấy có những điểm khác biệt nào giữa chứng khoán Việt Nam và các nước?
Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là độ rộng (sự lựa chọn) cũng như chiều sâu (chất lượng hàng hóa) của chứng khoán Việt Nam. Chẳng hạn với thị trường Singapore, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày là 1 tỷ USD trong khi Hong Kong lớn gấp 10 lần con số này. Thị trường Việt Nam không chỉ nhỏ hơn rất nhiều so với Singapore mà sự sẵn có của chứng khoán cũng không cao. Chỉ khoảng 25-30 cổ phiếu nhà đầu tư độc lập có thể thực sự lựa chọn. Với khối ngoại, sự lựa chọn còn ít hơn, chỉ khoảng 10 cổ phiếu.
Do không có nhiều lựa chọn, chúng tôi luôn bị giới hạn vào một vài cổ phiếu dù nó không thực sự hấp dẫn. Khối ngoại chúng tôi có lẽ đã tham gia vào chứng khoán Việt Nam từ hai năm trước khi thị trường lao dốc và mọi thứ được bán với giá rẻ bèo. Đó cũng chính là thời điểm nhiều nhà đầu tư ngoại nhắm đến và có cái nhìn nghiêm túc. Tuy nhiên, họ không có nhiều lựa chọn vì rất khó để mua cổ phiếu tại Việt Nam khi đó. Vì thế, tôi nghĩ Chính phủ nên thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, cải cách các ngân hàng càng sớm càng tốt để tạo thêm nhiều hàng hóa mới cho thị trường.
Ông đánh giá ra sao về chiến lược đầu tư chứng khoán mà đa số người Việt Nam đang áp dụng?
Hơn 80% giá trị giao dịch của chỉ số Vn-Index hiện nay là của nhà đầu tư cá nhân. Bản chất của nhà đầu tư cá nhân là theo xu hướng rất ngắn hạn. Trong ngắn hạn, chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả đầu cơ. Họ có thể mua cái này, bán cái kia rất nhanh nhằm kiếm nhiều tiền trong một thời gian rất ngắn.
Khi đầu tư vào chứng khoán Việt Nam, khối ngoại quan tâm đến điều gì nhất, thưa ông?
Điều đầu tiên, chúng tôi quan tâm đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, ổn định về chính trị và cách Chính phủ nhìn nhận đối với những sự đổi mới. Thứ hai, cũng rất quan trọng, là tính thanh khoản. Không có yếu tố thanh khoản, các công ty quản lý quỹ rất khó tham gia. Đây có thể xem là hai nhân tố quan trọng nhất nhà đầu tư nước ngoài cần được thỏa mãn trước khi thực sự gia nhập thị trường. Ngoài ra, tôi nghĩ sự minh bạch cũng rất cần thiết và thậm chí còn quan trọng tương đương hai yếu tố tôi vừa đề cập.
Về thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi nghĩ nó vẫn còn non trẻ. Các nguyên tắc kế toán vẫn đang trong trạng thái rất mới, nhưng về lâu dài, tôi nghĩ Việt Nam sẽ tiến dần tới các chuẩn mực của quốc tế. Chúng tôi quan tâm và tin rằng với thị trường như Việt Nam, không hiếm các cơ hội tốt để đầu tư .
Vậy lĩnh vực nào được các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nhất?
Chúng tôi rất thích ngành dầu khí. Cũng giống như những gì chúng ta đã thấy ở Malaysia và Singapore, xu hướng thăm dò và khai thác dầu khí đang được các công ty đẩy mạnh. Chúng tôi cũng chứng kiến nhiều hoạt động thượng nguồn của nhiều nhà thầu trong ngành công nghiệp dầu khí như khoan và đầu tư dàn khoan. Vì vậy tôi nghĩ các công ty trong ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi nhiều.
Không chỉ vậy, chúng tôi cũng quan tâm đến các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Chúng tôi đã xây dựng một số mối quan hệ thân thiết với ban lãnh đạo công ty. Mỗi khi tới thăm công ty thông qua tìm kiểu kỹ về các hoạt động kinh doanh quản lý, chúng tôi lại càng khẳng định doanh nghiệp có tiềm năng trong vòng 3-5 năm tới.
Chứng kiến nhiều hoạt động thượng nguồn của nhiều nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, khối ngoại cho rằng lĩnh vực này đang có nhiều lợi thế nhất. |
Vn-Index sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?
Chúng tôi vẫn nghĩ đến những mục tiêu Vn-Index 600 điểm trong năm nay. Vấn đề là sẽ có một số nhịp điều chỉnh. Điều này hoàn toàn bình thường đối với hầu hết các thị trường. Trong điều kiện bình thường, tôi tin rằng sự điều chỉnh nào cũng sẽ có giới hạn và sẽ không quá 10%.
Về ngắn hạn, thị trường có thể còn tiếp tục dao động. Tất cả những diễn biến quốc tế xảy ra chắc chắn đều tác động đến thị trường. Nhưng tôi nghĩ trong dài hạn, các xu hướng tăng vẫn còn nguyên vẹn.
Chu kỳ thị trường lần này rất khác so với năm 2008 khi bị phát triển quá nóng. Nhìn vào tình trạng kinh tế Việt Nam bây giờ, tôi nghĩ khá tốt. Tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát, tôi cho rằng sẽ chỉ dưới 7% trong năm nay. Và nếu nhìn vào tỷ giá, nhà đầu tư thấy sự ổn định. FDI và ODA không có chiều hướng suy yếu. Theo tất cả những yếu tố này, tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ từ nền kinh tế đang mạnh dần lên.
Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này đều có thể thay đổi nếu như có biến động mạnh trong sự ổn định chính trị.
Theo ông tính toán xu hướng tăng của chứng khoán Việt Nam sẽ kéo dài bao lâu?
Chúng tôi vẫn kỳ vọng xảy ra một số nhịp điều chỉnh đối với thị trường và sau đó, một chu kỳ mới sẽ xuất hiện. Tôi không đưa ra con số cụ thể, nhưng ngay bây giờ có thể thấy 2014 là thời điểm khá tích cực để đầu tư chứng khoán. Và nó sẽ còn kéo dài cho tới năm 2015.
Ngoài ra, tôi thấy các chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa thực sự diễn ra một cách nổi bật và rõ nét. Vì vậy chúng tôi rất hy vọng khi cổ phần hóa được thực hiện, đây sẽ là chất xúc tác đầu tiên mang các quỹ đầu tư nước ngoài trở lại thị trường. Đồng thời, việc nới room từ 49% lên 59% (nếu được thông qua) cũng có thể xem như lý do nữa kéo khối ngoại vào chứng khoán Việt Nam.
Ngoài những nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán, theo ông đâu là những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý?
Tôi nghĩ các nhà đầu tư ngoại đang rút vốn khỏi thị trường châu Á và chuyển dần về Mỹ, châu Âu. Họ bắt đầu thực hiện kể từ tháng 5 năm ngoái. Câu hỏi lớn ở đây là dòng vốn rút khỏi châu Á của các quỹ liệu có tiếp tục sau một năm?
Số liệu thực tế cho thấy trong chu kỳ gần đây nhất, khi kinh tế tại Mỹ và châu Âu khôi phục, các nhà đầu tư đã rút vốn từ thị trường mới nổi sang các nước phát triển. Xu hướng này kéo dài trong khoảng 40-50 tuần.
Và như vậy, lần này liệu chúng ta có thể thấy dòng vốn chảy lại về châu Á, sau 50 tuần? Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là kịch bản đẹp nhất. Trường hợp xấu là có thể các quỹ vẫn sẽ tiếp tục rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sau giai đoạn này. Đây là hai điều cơ bản mà nhà đầu tư phải hết sức lưu ý.
Một rủi ro hàng đầu nữa cũng không được bỏ qua là Trung Quốc. Quốc gia này cố gắng chuyển đổi nền kinh tế từ dựa vào xuất khẩu sang khai thác tiêu thụ nội địa. Quá trình chuyển đổi không thể tiến hành chỉ trong một đêm. Chúng ta đều biết Trung Quốc có rất nhiều nợ xấu và đây là vấn đề tương đối lớn với họ. Ngoài ra, những sự kiện gần đây liên quan tới quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực cũng là rủi ro đối với thị trường mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Ông Ong Seng Yeow có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, thị trường chứng khoán và nhiều năm phụ trách mảng nghiên cứu phân tích dành cho nhà đầu tư cá nhân. Tại Singapore, Hong Kong và Việt Nam, chuyên gia này cũng chuyên trách một số lĩnh vực đặc biệt. Ông Ong Seng Yeow có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại hai đại học gồm California (Mỹ) và Quốc gia Singapore. |
Theo VnExpress