ĐHCĐ Hanoimilk (mã chứng khoán HNM) đã diễn ra thành công với việc chấp thuận tất cả các tờ trình được HĐQT, Ban giám đốc và BKS đưa ra. Cũng đúng thôi, riêng ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã nắm giữ và được ủy quyền trên 73% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Nổi cộm trong cuộc họp ĐHCĐ lần này, không phải là các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh như lợi nhuận, doanh thu (thực tế tờ trình kế hoạch kinh doanh không được HNM đưa vào chương trình, chỉ là một nội dung trong báo cáo thường niên), cũng không phải chuyện lương bổng, như ông Hà Quang Tuấn giãi bày, là giờ tìm kiếm tên ông, chỉ thấy chuyện lương bổng! Chuyện đóng hộp sữa và dự án trang trại bò sữa mới là chuyện được bàn đến nhiều nhất.
Từ chuyện cái vỏ hộp
Sản phẩm sữa Izzi được coi là “bộ mặt” của Hanoimilk có một thiết kế vỏ hộp tương đối “dở” là có hình “tam giác”, còn gọi là hộp Wed. Bất tiện có thể thấy ngay ở thiết kế này là sữa rất dễ tràn ra ngoài khi cắm ống hút. Thậm chí, hiện các trường tiểu học, mầm non ở Hà Nội, cô giáo đã cấm trẻ mang sữa Izzi hộp Wed vào trường học, mà nguyên nhân đáng tiếc thay, chỉ vì cái vỏ hộp. Hiện nay, tất các loại sữa uống liền trên thị trường Việt Nam đều dùng hộp Brik, còn gọi nôm na là “hộp vuông”.
Sữa Izzi hiện vẫn được đóng hộp theo 2 loại Wed và Brik |
Trao đổi bên lề Đại hội về nguyên nhân công ty sử dụng dây chuyền đóng hộp này, ông Hà Quang Tuấn cho biết trước kia công ty tự định vị sản phẩm sữa Izzi là sản phẩm giá rẻ. Tetra Pak, công ty chuyên đóng hộp sản phẩm sữa, đã đề xuất mẫu hộp này cho Hanoimilk để “phân biệt” với các dòng sản phẩm sữa khác.
Tháng 4 năm ngoái, Hanoimilk đã cho ra sản phẩm sữa Izzi S+ với chất lượng được cho là cải tiến vượt bậc, được người tiêu dùng đánh giá cao. Và quan trọng, Izzi S+ sử dụng hộp sữa dạng Brik thông dụng hiện nay.
Thế nhưng, hiện tại chỉ có 3 máy rót hộp Brik, trong khi có tới 7 máy rót hộp Wed (được tiết lộ mức đầu tư ban đầu khoảng 500.000 USD/máy). Số lượng máy rót hộp Wed nói trên không thể thanh lý trong một sáng một chiều, vì mức giá được các bên đưa ra quá bèo bọt.
Trong khi đó, rõ ràng sau nhiều năm thua lỗ, tình hình tài chính của Hanoimilk không thực sự sáng sủa. Công ty vừa sử dụng kế sách xóa lỗ lũy kế bằng khoản thặng dư vốn điều lệ để có thể chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ vỏn vẹn 2% bằng tiền mặt. Có nghĩa là, Hanoimilk vẫn phải tiếp tục sử dụng hộp Wed cho phần lớn sản phẩm của mình, gánh chịu những bất lợi từ quyết định trong quá khứ.
Đến chuyện sữa tươi
Có vẻ như, đã đến lúc Hanoimilk không thể đứng ngoài trào lưu sản xuất/quảng bá sữa tươi thêm được nữa. Người tiêu dùng ngày càng yêu thích sữa tươi. Và đến lúc này, lời mời gọi từ những cốc sữa “100% tự nhiên” vẫn hấp dẫn đối với đại bộ phận người dân. Người ta tin vào công dụng tuyệt vời của sữa tươi, về những chất dinh dưỡng chỉ có ở sữa tươi. Giá sữa tươi thu mua từ nông dân tăng dần với nhu cầu của các nhà máy, hiện tại đã ở mức 14.000 đồng/lít.
Lời mời gọi từ một trang trại bò sữa tươi ngon luôn hấp dẫn! |
Còn nhớ năm ngoái, tại ĐHCĐ thường niên 2013, đại diện HNM tuyên bố không theo đuổi sản xuất sữa tươi. Trên thực tế, sản xuất sữa tươi không hề đơn giản, phải bắt đầu từ nuôi bò với kỹ thuật nông nghiệp đủ cao để khai thác năng suất nhất. Nuôi bò không giống như đầu tư máy móc sản xuất thông thường. Bất kể thị trường như thế nào thì bò vẫn…cho sữa, và ăn cỏ, yêu cầu chăm sóc.
Không những thế, để nuôi bò, công ty cần một diện tích đất đủ rộng để trồng cỏ. Năm 2012, công ty đã lập dự án gửi các cơ quan chức năng để xin thuê đất đầu tư trang trại và phát triển Vùng nguyên liệu tại huyên Mê Linh – Tp. Hà Nội.
Một tin vui đến với Hanoimilk kho công ty vừa được giới thiệu địa điểm mới là khu đất 61,4ha + 20ha mặt nước tại Mê Linh có đủ điều kiện để trồng cỏ và phát triển trang trại với quy mô từ 1 – 2 nghìn con bò sữa. Tuy nhiên, phát biểu tại ĐHCĐ, chính chủ tịch huyện Mê Linh, đồng thời là cổ đông của Hanoimilk vẫn đang băn khoăn địa điểm mà Hanoimilk dự định triển khai dự án (?)
Với dự án này, Hanoimilk kỳ vọng sẽ xâm nhập thị trường sữa tươi vẫn được cho là “ngon ăn”. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty còn hi vọng sau này có thể tổ chức ĐHCĐ thường niên ngay tại trang trại nuôi bò, đồng thời là cơ hội quảng bá doanh nghiệp.
Việc đầu tư bò sữa của HNM có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng về sau này và mức độ cạnh tranh của thị trường sữa tươi. Cũng phải nói lại, tại ĐHCĐ thường niên 2014 của Vinamilk, ông lớn trong ngành sữa, bà Mai Kiều Liên, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết công ty đang đứng trước thách thức sức mua giảm.
Một doanh nghiệp như Vinamilk hàng năm vẫn phải chi hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động Marketing, bán hàng, và có thể lên tới con số 1 nghìn tỷ, vẫn lo lắng về sự suy giảm sức mua, giảm thị phần. Mới biết, cạnh tranh trong thị trường sữa nói chung, sữa tươi nói riêng đang ngày càng khốc liệt.
Trong khi đó, hàng năm, chi phí bán hàng của Hanoimilk chỉ ở mức vài chục tỷ đồng.
Được biết, chi phí đầu tư cho dự án trang trại bò sữa lên tới 288 tỷ đồng, được triển khai trong vòng 6 năm, vòng đời của dự án chắc chắn kéo dài hơn rất nhiều. 288 tỷ đồng không phải là một con số nhỏ đối với Hanoimilk. Mọi rủi ro có thể có của dự án, do vậy, cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bài học năm nào về việc nhập khẩu một lúc 7 máy đóng hộp Wed hiện vẫn còn đó, và đến nay vẫn để lại hậu quả.
Theo Trí Thức Trẻ