Trên thị trường chứng khoán, tháng 10/2008 trở thành thời điểm lịch sử đối với các cổ đông của Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk). Cơn bão melamine đổ bộ và gây ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động kinh doanh của công ty này. Dư chấn của nó vẫn đeo đẳng những năm sau đó.
Chống chọi với khủng hoảng
Sự phản ứng của thị trường tiêu dùng trước thông tin một số sản phẩm sữa Hanoimilk nhiễm melamine ngay lập tức thể hiện rõ nét. Là một tấm gương phản chiếu triển vọng hoạt động doanh nghiệp, giá cổ phiếu HNM trên sàn HNX thời điểm đó đón đợt sụt giảm mạnh với hơn chục phiên nối dài, từ mức giá trên 15.000 đồng rơi xuống còn 8.800 đồng.
Và ngay trong quý 4/2008, lợi nhuận của Hanoimilk đã chứng kiến khoản lỗ lên tới 41,459 tỷ đồng; lũy kế cả năm lỗ 37,698 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 129,672 tỷ đồng).
Khắc phục và nỗ lực vượt qua khủng hoảng, ngày 12/4/2009, Hanoimilk tiến hành đại hội đồng cổ đông. 100% ý kiến biểu quyết thông qua kế hoạch cải tổ do Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hà Quang Tuấn đề xuất.
Đây được xem như một cuộc đại phẫu khi có tới 7 trọng tâm trong hoạt động được đưa ra mổ xẻ với những lát cắt và những thay đổi mạnh mẽ, từ tái cơ cấu cổ đông, chiến lược hoạt động tầm nhìn 2015, quản lý và tổ chức, tài chính - kế toán, kiểm soát chi phí và nguyên vật liệu, sản phẩm và chất lượng, marketing và bán hàng.
Ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch cải tổ, hy vọng đã hé mở. Kết thúc năm 2009, Hanoimilk trở lại có lãi với 12,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hẳn nhiều cổ đông còn nhớ bức “tâm thư” của vị Chủ tịch hồi đó có đoạn: “Với những kết quả bước đầu kể trên, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng Hanoimilk đang phát triển bền vững và sẽ còn bước lên những tầm cao mới… Tôi tin tưởng như vậy và đã đặt danh dự và tài sản của mình vào Hanoimilk”.
Nhưng, năm 2010 nối tiếp lại là một năm đầy sóng gió. Liên tiếp lỗ hai quý cuối năm và lũy kế cả năm Hanoimilk lại đón nhận khoản lỗ lên tới 22,79 tỷ đồng. Con số này như một gáo nước lạnh dội vào những nỗ lực cải tổ từ trong năm 2009.
Dư chấn của cơn bão melamine chưa dứt. Ban lãnh đạo Hanoimilk cũng nhìn nhận rằng thương hiệu chính IZZI của Công ty vẫn không đủ mạnh để vượt qua những rào cản do ảnh hưởng tiêu cực từ quá khứ để lại, dù trong năm 2010 đã đầu tư trên 32 tỷ đồng cho các chiến dịch marketing.
Rào cản quá khứ để lại, thêm nữa sức mạnh của thương hiệu đã không đủ mạnh để vượt qua được việc tăng giá (khoảng 9%) vào tháng 4/2010. Lãnh đạo Công ty thừa nhận, khách hàng mua IZZI một phần do có giá hợp lý, song điều này đã bị thay đổi sau khi lên giá.
Ngoài ra, với trên 80% nguyên vật liệu đầu vào là nhập khẩu, những cú sốc tỷ giá liên tiếp những năm qua cũng đã tạo sự níu kéo lớn đối với nỗ lực trở lại của công ty này.
Hy vọng vừa hé mở trong năm 2009 lại bị níu kéo bởi tình trạng lỗ trong năm 2010. Thua lỗ tiếp tục đeo bám Hanoimilk đến những tháng đầu năm 2011 và kế hoạch đặt ra cho năm này là giảm lỗ với chỉ tiêu lợi nhuận -1,8 tỷ đồng…
Thắp lại hy vọng
Bước ra từ khủng hoảng. Đó là mong đợi của cổ đông, từ sự dõi theo của thị trường. Quan trọng hơn là tinh thần cải tổ có bị nhấn chìm sau “gáo nước lạnh 2010” hay không?
Năm 2011, tiếp tục thực hiện cải tổ. Có thể thấy Hanoimilk đã mạnh tay hơn trong cơ cấu lại vốn, tiết kiệm hơn nữa chi phí quản lý doanh nghiệp, công tác quản lý hệ thống và tổ chức bán hàng tiếp tục được cơ cấu lại để hợp lý và giảm được chi phí… Và những tín hiệu mới cũng đã xuất hiện.
Quý 2/2011, sau 3 quý liên tiếp lỗ, Hanoimilk đã bắt đầu có lãi với hơn 860 triệu đồng.
Và ở báo cáo mới nhất, kết quả kinh doanh cả năm 2011 đã cho thấy mức lãi 2,1 tỷ đồng, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn lỗ 365,2 triệu đồng. Một con số lợi nhuận khiêm tốn nhưng là đổi thay lớn so với chỉ tiêu giảm lỗ với lợi nhuận -1,8 tỷ đồng đề ra trước đó; đặc biệt là trong quý cuối năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã cho lãi trở lại.
Theo báo cáo vừa công bố, điểm nổi bật trong năm 2011 của Hanoimilk là sự cắt giảm rất mạnh về chi phí bán hàng, từ mức 54,73 tỷ đồng trong năm 2010 xuống còn 37,41 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm đáng kể, từ mức 12,75 tỷ đồng trong năm 2010 xuống còn 10,44 tỷ đồng.
Đáng chú ý là trong năm 2011, với trên 80% nguyên vật liệu đầu vào là nhập khẩu, Hanoimilk cũng là đối tượng điển hình đón nhận bất lợi từ “cú sốc” tăng tỷ giá USD/VND tới 9,3% hồi tháng 2, trong khi thị trường sữa cạnh tranh ngày một khốc liệt…
Sau những thăng trầm từ 2008 - 2011, Hanoimilk đang thắp lại hy vọng phục hồi trong sản xuất kinh doanh. Có thể khả năng sinh lãi còn mong manh, nhưng ít nhất tình trạng thua lỗ kéo dài trước đó đã được chấm dứt.
Con đường phía trước còn nhiều thử thách, “gáo nước lạnh 2010” vẫn còn ám ảnh, nhưng quan trọng là nỗ lực cải tổ của họ giữ được sự bền bỉ, và họ có được kết quả cụ thể để kiểm nghiệm chiến lược cải tổ của mình, để đặt hy vọng có thể hoàn toàn bước ra khỏi khủng hoảng.
Theo Vneconommy