Tăng trưởng tiếp tục trì trệ tại thị trường mới nổi

Thứ sáu, 03/02/2012, 04:47
SaigonNews - HSBC vừa công bố báo cáo chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (Emerging Markets Index) cho thấy tăng trưởng tại các thị trường này tiếp tục trì trệ trong Quí IV/2011.


Theo đó, chỉ số EMI đã tăng nhẹ lên mức 52,2 điểm từ mức 52,0 điểm của quý III, phản ánh một tỷ lệ mở rộng kinh tế nhẹ khi thương mại thế giới suy giảm trong suốt năm 2011, sau khi đã chạm mức cao nhất vào đầu năm 2011. Nguy cơ phải đối mặt với sự ảnh hưởng kinh tế Mỹ, Anh và thậm chí từ các chính sách các quốc gia mới nổi phụ thuộc khá nhiều vào độ nhạy của thị trường.

Đồng nhất với những xu hướng được nêu ra trong các báo cáo EMI trước, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vượt trội hơn lĩnh vực sản xuất, khi mỗi chỉ số phụ của hai lĩnh vực dịch vụ và sản xuất đã đạt được khoảng cách rộng nhất trong vòng 11 quý vừa qua.

Khảo sát cũng cho thấy sản lượng sản xuất tại các thị trường mới nổi sụt giảm trong 2 quý liên tiếp với tốc độ nhanh nhất kể từ quý I/2009 do ảnh hưởng của sự suy giảm trong sản lượng đầu ra ở các nhà máy trên khắp các thị trường mới nổi Châu Á.

Đài Loan, Hàn Quốc dẫn đầu về suy giảm sản xuất công nghiệp, Trung Quốc và Hồng Kông sụt giảm nhẹ trong sản lượng đầu ra, Singapore cũng thể hiện sự trì trệ. Trong khi đó các nhà sản xuất Ấn Độ đã báo cáo khả năng mở rộng khả năng sản xuất vững chắc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tốc độ tăng trưởng hoạt động sản xuất mạnh mẽ…

Báo cáo cũng ghi nhận về sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu tại cả 3 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Nga; Brazil thì sụt giảm liên tiếp trong 3 quý…

Cuộc khảo sát chỉ số kinh tế EMI được thực hiện trên 16 thị trường mới nổi trên toàn thế giới bao gồm: Cộng hoà Séc, Hồng Kông, Israel, Mexico, Ba Lan, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỹ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ả Rập Saudi, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, áp lực giá cả giảm xuống mức thấp trong mười quý vừa qua khi  các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ đều thấy được lợi ích từ chính sách thắt chặt tiền tệ đang được các ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi áp dụng để đối phó với áp lực lạm phát. Chỉ số EMI trong quý IV báo hiệu rằng chỉ số quản lý giá nguyên liệu sản xuất đầu vào thấp hơn 19 điểm so với một năm trước.

Ông Stephen King, Kinh tế gia trưởng - Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC cho rằng sự suy giảm của kinh tế thế giới, cụ thể là cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu và cả những yếu kém của kinh tế Mỹ, Anh và chính bản thân các nền kinh tế mới nổi cũng góp phần làm mất đà sản xuất.

"Ngoài ra, những bất ổn kinh tế và chính trị trong khu vực Trung Đông gia tăng kéo theo việc đội giá dầu lên cao đã khiến cho các quốc gia mới nổi không tránh khỏi việc phải thiết lập các chính sách hạn chế tăng trưởng và giảm áp lực giá cả nhằm tránh lạm phát.

Những chính sách thắt chặt tiền tệ đã đạt được một số thành công, thay thế những mối lo ngại về lạm phát của các nhà hoạch định chính sách tại những thị trường mới nổi bằng những lo ngại mới về tăng trưởng vốn được dự báo sẽ tiếp diễn trong suốt năm 2012 do tác động toàn diện của khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Ấu. Các quốc gia mới nổi mặc dù sẽ phải tập trung đối đầu với nhiều vấn đề trong 12 tháng tới vẫn cần dành sức để giải quyết những tác động tiêu cực, thực hiện việc cắt giảm lãi suất đồng thời tung ra các chính sách kích thích tài khóa để thúc đẩy khả năng phục hồi cho toàn khu vực.”

Ông Frederic Neumann

Ông Frederic Neumann, đồng Giám đốc khối Nghiên cứu Kinh tế tại các thị trường châu Á của ngân hàng HSBC, phát biểu: “Những kết luận từ báo cáo về chỉ số EMI trong quý IV đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh tương tự như quý III. Các nhà sản xuất tại châu Á dù chịu nhiều tác động hơn những nơi khác nhưng lại có nhu cầu nội địa tiếp tục ổn định.

Tuy viễn cảnh về cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự như cuộc khủng hoảng vào năm 2008 với sự sụp đổ trong khu vực sẽ không tái diễn nhưng các nền kinh tế sẽ bị sụt giảm chút ít. Khi sự bất ổn của khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn vẫn còn đó thì các chính sách kích thích vẫn cần có để duy trì sự tăng trưởng bền vững chung của châu Á. Tuy nhiên, các nước cần có một khoảng thời gian để những tác động này phát huy hiệu quả khi mà tăng trưởng chỉ có thể phục hồi vào quý II nếu như châu Âu không xảy ra thêm biến cố nào nữa”.


Misa.

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn