Chứng khoán: Niềm tin cần được cụ thể hóa

Thứ năm, 02/02/2012, 10:11
Tái cơ cấu nền kinh tế là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, việc lấy lại niềm tin vào tiền đồng, vào chính sách và TTCK không hề dễ nếu các bước đi tiếp theo không tiếp tục quyết liệt và mạnh mẽ.


 

Hai trụ cột kinh tế vẫn khó khăn

Trong những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn, có nhiều tin tốt lành đến với TTCK. Đó là quyết tâm vực dậy TTCK của lãnh đạo Bộ Tài chính, những phiên tăng điểm khá ấn tượng, CPI tháng trước và sau Tết chỉ khoảng 1% (so với 2-3% năm trước), tỷ giá ổn định...

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vẫn phải thẳng thắn thừa nhận một sự thật không thể né tránh là nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khó khăn, nhất là trong nửa đầu năm. Nhất là, hai cột trụ kinh tế là doanh nghiệp và ngân hàng đều đang và sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn gay gắt.

Đối với doanh nghiệp, điều này không có gì phải bàn bởi hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với mặt bằng lãi suất quá cao tới hơn 20% trong hơn một năm qua. Với lãi suất này và tình hình tiếp cận vốn không hề dễ dàng trong năm mới thì nhiệm vụ sống còn đối với hầu hết các doanh nghiệp vẫn là duy trì để tồn tại.

Đối với ngân hàng, tình hình căng thẳng về thanh khoản đã bớt nóng khi mà thời điểm khắc nghiệt nhất là giai đoạn trước Tết Nguyên đán đã qua đi. Nhưng việc mất cân bằng trong cấu trúc huy động và cho vay (tỷ trọng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn quá lớn) đã kéo dài nhiều năm qua và khó lòng thay đổi trong một vài tháng.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng kém thanh khoản. Một số ngân hàng nhỏ có thể sẽ rơi trở lại tình trạng phải chạy vạy đi vay trên thị trường liên ngân hàng, phải huy động vàng, USD lãi suất cao để bù đắp vào các khoản thiếu hụt tiền đồng. Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện rút bớt tiền khỏi lưu thông thông qua thị trường mở (OMO) như thường làm dịp sau Tết.

Với TTCK, dường như đã có những thay đổi. Tâm lý bi quan bao trùm thị trường đang được thay thế bởi tâm lý lạc quan (nhưng có phần thận trọng) khi mà rất nhiều cổ phiếu lớn có cả chục phiên tăng điểm mạnh mẽ, kéo chỉ số trên cả hai sàn đi lên nhanh chóng.

Nhiều người tin rằng, vĩ mô đang phát đi những tín hiệu tích cực dần. Nhiều khả năng lãi suất (trước tiên là trần lãi suất huy động) sẽ được kéo xuống muộn nhất là trong quý II tới. Thị trường vàng và USD cũng sẽ được quản lý chặt chẽ, trong khi bất động sản vẫn trầm lắng thì dòng tiền sẽ nhanh chóng chảy vào chứng khoán.

Thực tế đã chứng minh có một dòng tiền sớm chảy vào TTCK trong những ngày đầu năm Nhâm Thìn.

Mặc dù vậy, có một thực tế khác là thanh khoản trên TTCK vẫn khá thấp. Nó cho thấy sự thận trọng hoặc/và sự chưa nhập cuộc thực sự của những dòng tiền lớn.

Niềm tin sẽ sớm trở lại?

Tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua là một hướng đi rất đúng. Chính phủ đã có những bước đi mạnh mẽ với 3 trọng tâm là: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc DNNN và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Trong đó, tái cấu trúc ngân hàng đã có bước đi đầu tiên là sáp nhập 3 ngân hàng nhỏ có trụ sở tại TP.HCM dưới sự giám sát của Ngân hàng lớn BIDV. Tái cấu trúc TTCK cũng đang được tiến hành mạnh mẽ với bước đầu là dự kiến thanh lọc các CTCK hoạt động yếu kém từ quý II/2012

Mặc dù vậy, tất cả mới chỉ những bước đi đầu tiên. Trong khi, để vi mô thực sự ổn định trở lại thì tái cấu trúc nền kinh tế phải được thực hiện triệt để. Quá trình này có thể kéo dài vài năm.

Và điều đó cũng có nghĩa là để niềm tin vào tiền đồng, vào chính sách và TTCK có thể cất cánh thì còn phụ thuộc rất nhiều vào các bước đi tiếp theo của Chính phủ. Những bước đi này cần tiếp tục quyết liệt và mạnh mẽ.

Năm 2012 là năm được kỳ vọng các chính sách tái cấu trúc kinh tế tiếp tục được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.

Với nhiều gia, 2012 là năm của cơ hội. Nó là thời điểm bắt đầu của những cải cách mà theo đó có nhiều đau đớn nhưng cũng có thể cất cánh bay cao. Cơ hội là rất lớn nhưng rủi ro chôn vốn không phải không có.

Điều quan trọng nhất mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện tại đang quan tâm là Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn nhưng sự quyết tâm, lòng kiên trì theo bám định hướng mới này ra sao.

Khát vọng tăng trưởng GDP đã được kiềm chế, thay vào đó mục tiêu cốt lõi là kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá đã giảm xuống 18% vào cuối 2011 và có thể tiếp tục xu hướng giảm trong cả năm 2012 để về hướng về mục tiêu 9-10%.

Trong những ngày cuối năm 2011, nhiều người lo ngại dòng vốn nước ngoài sẽ rời Việt Nam khi mà nhiều quỹ đóng đến hạn và TTCK đi xuống thảm hại. Trên thực tế, những chuyên gia nước ngoài lại cho rằng, dòng vốn nước ngoài luôn tìm cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam. Hiện tại hầu hết họ vẫn đang quan sát và chờ đợi sự ổn định hơn của tình hình vĩ mô, đặc biệt là việc giải quyết nợ xấu và thị trường bất động sản.

Theo các chuyên gia, niềm tin vào tiền đồng và chính sách đang dần trở lại. Sự quyết liệt trong tái cấu trúc sẽ giúp các thị trường vững vàng đi lên. Lòng tin mất thì dễ, lấy lại rất khó nhưng không phải không được. Dòng tiền trên thị trường luôn vận động một cách thông minh.

Một điểm được các chuyên gia lưu ý là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ phải trả giá rất tốn kém và còn vô số trở ngại sinh ra. Đó là xung đột nhóm lợi ích, tầm nhìn, tư duy phát triển chậm đổi mới... Để vượt qua được những trở ngại này là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi những người đứng đầu Chính phủ phải tận tâm, tận lực, thậm chí phải "cắn răng vượt khó" để nền kinh tế bứt ra khỏi mô hình cũ.

Theo VEF

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích