Nhà đầu tư có thể thiệt hại 70% với trái phiếu Hy Lạp

Thứ tư, 01/02/2012, 10:30
SaigonNews - Theo nhận định, các nhà đầu tư tham gia thỏa thuận cắt giảm nợ cho Hy Lạp có thể phải chịu mức thiệt hại tổng cộng trên 70% đối với số trái phiếu của nước này mà họ đang nắm giữ, so với những con số 21%, 50% hay 68% được đưa ra trước đây.



Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/1, các nhà lãnh đạo nói thỏa thuận hoán đổi nợ của Hy Lạp có thể được ký trong những ngày tới cùng với gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (169 tỷ USD) để cứu nước này khỏi nguy cơ phá sản.

Hy Lạp cùng với đại diện của các chủ nợ cuối tuần trước đã tiến gần hơn đến thỏa thuận cuối cùng nhằm đưa khối nợ của nước này xuống mức dễ xoay xở hơn. Nếu không được tái cơ cấu, số nợ của Hy Lạp sẽ tăng lên mức 200% GDP vào cuối năm nay.

Nếu đạt được thỏa thuận, Hy Lạp có thể duy trì được khả năng trả nợ, còn châu Âu tránh được một cú đánh vào hệ thống tài chính vốn đã yếu đi.

Thỏa thuận hoán đổi nợ sẽ giúp Hy Lạp giảm được 100 tỷ euro nợ và tiết kiệm hàng tỷ euro tiền thanh toán lãi suất. Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ một cách hỗn loạn vào ngày 20/3, khi nước này phải thanh toán 14,5 tỷ euro trái phiếu nếu không có sự hỗ trợ thêm.

Việc Hy Lạp vỡ nợ là kịch bản mà khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) lo ngại nhất và là lý do tại sao Eurozone hy vọng các nhà đầu tư tự nguyện chấp nhận việc thua lỗ với số trái phiếu của Hy Lạp mà họ đang nắm trong tay.

Thỏa thuận hoán đổi nợ đang thành hình là bước quyết định trước khi Hy Lạp có thể nhận gói cứu trợ thứ hai. Nước này đã sống sót kể từ tháng 5/2010 nhờ vào gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro.

Liên quan đến thỏa thuận hoán đổi nợ của Hy Lạp, ngân hàng Alpha Bank của nước này đã thông báo dừng các cuộc thương lượng về việc sáp nhập với ngân hàng Eurobank để trở thành ngân hàng lớn nhất Hy Lạp trong lúc chờ các điều khoản của thỏa thuận hoán đổi nợ được hoàn tất.

Năm ngoái, Alpha Bank báo cáo mức lỗ ròng chín tháng là 567 triệu euro, sau khi xóa 608 triệu euro nợ công của Hy Lạp, còn Eurobank lỗ 575 triệu euro, sau khi dành ra khoản dự phòng 830 triệu euro trước rủi ro đến từ khoản nợ công của nước này.

Các ngân hàng Hy Lạp đang trong tình thế có thể chịu lỗ lớn do thỏa thuận hoán đổi nợ, một phần của gói cứu trợ thứ hai. Khoảng 30 tỷ euro từ gói cứu trợ này sẽ được dành để hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp.

Bên cạnh việc tái cơ cấu nợ, Hy Lạp cũng phải thực hiện các bước khác để có thể được nhận thêm viện trợ như cắt giảm thâm hụt ngân sách và tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ ba giám sát nợ là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang kêu gọi Hy Lạp cắt giảm chi tiêu hơn nữa để hạ thâm hụt ngân sách và chi phí nhân công.

Tuy nhiên, các đối tác của Hy Lạp trong Eurozone đang ngày càng nản lòng về sự chậm chạp của nước này trong việc thực thi các biện pháp khắc khổ và những cải cách kinh tế đã được đưa ra hai năm trước.

Những ngày gần đây, các nước đang thảo luận về cách thức giám sát những nỗ lực của Hy Lạp một cách chặt chẽ hơn nữa, trong đó có việc trao quyền cho Ủy ban châu Âu ngăn chặn các quyết định về chi tiêu, điều đe dọa khả năng trả nợ của nước này.

Trước đó, Trong phiên giao dịch ngày 31/1 trên thị trường châu Á, mặc dù đồng euro đã đảo chiều tăng giá, song đà tăng vẫn bị hạn chế bởi sức ép từ phiên giảm điểm mạnh của hôm trước, do những lo ngại ngày càng gia tăng của giới đầu tư về tình trạng bế tắc của các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ tư nhân.

Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng euro giao dịch ở mức 1,3193 USD đổi 1 euro, tăng nhẹ so với mức 1,3134 USD/euro trong phiên giao dịch đêm hôm trước tại New York. Đồng tiền chung châu Âu cũng “nhích” lên so với đồng yen của Nhật Bản, tăng từ mức 100,34 yen/euro lên 100,53 yen/euro.

Đồng nội tệ của Nhật Bản liên tục tăng giá so với đồng USD trong vòng ba tháng qua, do tình hình bất ổn của kinh tế thế giới, mà đặc biệt là châu Âu. Điều này đã khiến giới kinh doanh quyết định đầu tư vào tài sản an toàn là đồng yen và bán tháo các đồng tiền có tính rủi ro cao hơn.

Chốt phiên 31/1, “đồng bạc xanh” lại mất giá so với đồng yen, giảm từ mức 76,35 yen/USD xuống còn 76,20 yen/USD, sau khi có lúc tụt xuống 76,16 yen/USD vào giữa phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 31/10/2011, khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm hạn chế sức tăng của đồng yen.

Sự lo ngại ngày một gia tăng về tình hình công nợ công ở châu Âu đã ngăn chặn đà phục hồi của đồng euro trong phiên giao dịch 30/1.

Đồng tiền chung châu Âu giảm giá sau khi Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc và các nhà lãnh đạo khu vực này đã đạt được một thỏa thuận mới nhằm thắt chặt các quy định ngân sách, chuẩn bị cho việc trao cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.

Tuần trước, Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ mức tín nhiệm của 5 nước thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngay sau khi các thị trường chứng khoán Eurozone đóng cửa. Hạng mức tín dụng của Italy, Tây Ban Nha và Slovenia bị hạ 2 bậc, trong khi của Bỉ và Síp bị đánh tụt một bậc.

Chuyên gia kinh tế Gareth Berry thuộc ngân hàng UBS nhận định rằng những dấu hiệu của động thái trên đã xuất hiện từ cách đây vài tuần lễ và được dự đoán sẽ diễn ra trước khi kết thúc tháng đầu tiên của năm 2012, còn tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng USD vẫn tăng bất chấp tin tức về việc hạng tín dụng của một số quốc gia khu vực đồng tiền chung bị đánh tụt.

Trong khi đó, sự suy yếu của đồng USD chính là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Jun Azumi một lần nữa đề nghị Chính phủ can thiệp vào thị trường tiền tệ trong nước. Ông Azumi bày tỏ hy vọng rằng bài toán nợ công của châu Âu sẽ sớm có lời giải, giúp thị trường chứng khoán Nhật Bản ổn định hơn.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 31/1, tỷ giá đồng USD đi xuống so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt của châu Á. “Đồng bạc xanh” mất giá so với đồng won của Hàn Quốc, baht của Thái Lan, SGD của Singapore, Đài tệ của Đài Loan và peso của Philippines, song lại đi lên so với đồng nội tệ của Indonesia.

Tuấn Anh
(Tổng hợp)

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích