Giá nhà đất tăng hơn 100 lần trong 20 năm

Thứ ba, 31/01/2012, 13:27
Thời điểm trầm lắng của thị trường hiện tại được ghi nhận là điêu đứng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.


 

Nhưng, ba lần "sốt giá" nhà đất 1991-1993, 2001-2003, 2007-2008 đã làm cho giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm kể từ 1990 tới nay. Và, đang có một hy vọng mở cánh cửa có nhà của người nghèo…

Cao gấp 25 lần thu nhập trung bình/năm

Theo đánh giá của GS- TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên thị trường, lâu nay nhà đầu tư dự án nhà ở bị giới đầu cơ cuốn hút, họ lao vào khu vực nhà ở cao cấp để có siêu lợi nhuận từ "sốt giá".

Chính điều này đã làm cho giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các các nước chậm phát triển.

“Cứ cho rằng người lao động có thể tiết kiệm được 30% thu nhập để mua nhà ở thì sau 75 năm làm việc mới dám nghĩ tới mua nhà ở cho mình. Như vậy, hầu hết người lao động có tuổi thọ rất cao mới dám nghĩ tới nhà ở vào lúc "nhắm mắt xuôi tay". Giá nhà đất cao nhất ở Việt Nam đang "vi vu" trên đỉnh của thế giới, nhưng thu nhập trung bình của lao động Việt Nam vẫn ở nhóm rất thấp trên thế giới”, GS- TSKH Đặng Hùng Võ nói.

Trong khi đó, theo số liệu về nhà ở năm 2009 của Bộ Xây dựng, tại đô thị có 4.750 hộ không có nhà ở; tại nông thôn có 7.897 hộ. Theo số liệu điều tra về hộ gia đình và nhà ở của Tổng cục Thống kê, hiện vẫn có tới 1,6 triệu chỗ ở tạm bợ, 0,5 triệu căn hộ nhỏ hơn 15m2 tại đô thị, 1,5 triệu căn nhà đơn sơ tại nông thôn.

Cũng theo số liệu của Bộ Xây dựng, tổng số người có thu nhập thấp tại đô thị hiện nay là 5,8 triệu người trên phạm vi cả nước, cần tới 70 triệu m2 nhà ở; dự báo đến năm 2020, con số này lên tới 6,5 triệu người và cần tới 117 triệu m2 nhà ở.
 
Thắp lên hy vọng

Chiến lược đã khẳng định Nhà nước có chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển, đồng thời có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
 
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, hướng đi của chính sách phát triển nhà ở đã đứng trên 2 chân: bằng thị trường cho người có tiền và bằng hỗ trợ của Nhà nước cho người khó khăn. Chủ trương chung đã thắp lên hy vọng nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo.
 
Theo phân tích của GS Đặng Hùng Võ, trong chủ trương hành động của Chiến lược, mọi công cụ về chính sách, quy hoạch, đất đai, tài chính, công nghệ được đổi mới nhằm huy động nguồn lực mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường và chủ động triển khai các chương trình phát triển nhà ở cho người thuộc diện chính sách xã hội nói chung, cho người có thu nhập thấp tại đô thị và các hộ nghèo ở nông thôn nói riêng.

“Chủ trương hành động tập trung vào phát triển nhà chung cư, nhà cho thuê giá rẻ, phấn đấu đầu tư xây dựng mới nhà ở mỗi năm khoảng 100 triệu m2 sàn, trong đó tối thiểu khoảng 20% dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Chương trình hành động như vậy cũng làm cho hy vọng nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo sớm thành hiện thực”, GS Đặng Hùng Võ nói.

Mục tiêu của Chiến lược đặt ra rất cụ thể trong 5 năm tới: Phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị, hỗ trợ cho khoảng 400 nghìn hộ gia đình nghèo tại nông thôn cải thiện nhà ở, giảm tỷ lệ nhà ở đơn sơ xuống dưới 5%; Tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 20% tổng quỹ nhà ở để phục vụ cho người có thu nhập thấp.

Trong 5 năm tiếp theo, Chiến lược đặt ra mục tiêu: 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại đô thị và hỗ trợ cho khoảng 500 nghìn hộ gia đình nghèo tại nông thôn cải thiện nhà ở, xóa hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn quốc; tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở.
 
Gỡ bỏ nghịch lý về giá nhà?
 
Chiến lược đã đưa ra chính sách trung tâm để giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị là Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước để cho thuê, thuê mua, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp để bán, cho thuê, thuê mua.
 
Chính sách này đã đặt lên 2 trụ chính: một là Nhà nước chủ động đầu tư và hai là Nhà nước khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư. Chiến lược cũng đặt ra một hệ thống giải pháp về dựa trên đổi mới chính sách đất đai, quy hoạch và kiến trúc, tài chính (tín dụng và thuế), phát triển thị trường và quản lý sử dụng, khoa học và công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện tổ chức, tuyên truyền nâng cao nhận thức.

Đã có rất nhiều hy vọng được nhen nhóm lên từ những chính sách nói trên. Nhiều người dân đang tự thưởng cho mình cảm giác mơ về một ngày nghịch lý giá nhà đất ngất ngưởng như ở Việt Nam được gỡ bỏ.
 
Trên thực tế, một vấn đề nan giải nhất đã được đặt ra mà vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng, đó là bằng cách nào để chuyển được các trợ giúp vật chất của nhà nước đến tận tay những người thuộc diện chính sách. Hiện nay, chúng ta vẫn dùng cơ chế "xin - cho" thông qua chủ đầu tư dự án, đặt dưới sự kiểm tra của các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, nhà ở luôn là ước mơ lớn của người có thu nhập thấp, người nghèo. Mỗi nước đều có giải pháp riêng phù hợp với tiền lực tài chính quốc gia, tình hình thực tế, tập quán về đất đai và nhà ở.

Ở nước ta, Nhà nước đã tập trung nỗ lực khá lớn trong thực hiện chính sách nhà ở cho dân, vừa là trọng tâm của quá trình phát triển thị trường bất động sản, vừa là trung tâm của mục tiêu tăng cường an sinh xã hội. Trong 10 năm 2000-2009, diện tích nhà ở cả nước đã tăng thêm khoảng 706 triệu m2, tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 10 năm trước.
 
Chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 10 năm tới đã đặt trọng tâm lớn vào giải quyết nhà ở cho người cho thu nhập thấp, người nghèo. Đây cũng là một trong các mục tiêu thiên niên kỷ của cả loài người.
 
“Vấn đề này được giải quyết tốt ở Việt Nam có nghĩa là chúng ta đã phá bỏ được nghịch lý về giá nhà ở, tức là giảm thấp được đáng kể tỷ lệ giữa giá nhà ở trung bình và thu nhập trung bình năm của người lao động”, GS Đặng Hùng Võ nói.  
 

Theo Vnmedia

Các tin cũ hơn