Kinh tế Việt Nam 2012: Tín hiệu lạc quan

Thứ hai, 30/01/2012, 13:28
Các chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2012, vàng vẫn là mặt hàng có giá cả biến động thất thường.


 

Bên cạnh đó, lãi suất chưa có cơ sở để giảm vì một số nguyên nhân: các ngân hàng thiếu thanh khoản, không có tiền để cho vay; lòng tin của người dân chưa phục hồi.

GDP có thể tăng 6,5%

Con số này được đưa ra bởi Bộ KH-ĐT dựa trên phân tích thuận lợi là: khả năng cú sốc giá lớn từ bên ngoài lên cung khá thấp; tăng trưởng khu vực Đông Á vẫn khá cao, nguồn vốn khu vực lớn, tiếp tục xu hướng chuyển dịch vào nhu cầu khu vực, nội địa. Bên cạnh đó là lợi thế của Việt Nam qua các cam kết chiến lược. Đây được coi là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực và mức bình quân chung của thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Đưa ra con số dự báo dè dặt hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, GDP của nước ta năm 2012 có thể đạt 6,3%. Theo PGS.TS Võ Đại Lược - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ tác động đến Việt Nam nhưng song hành với nó là những cơ hội cho Việt Nam. Trước hết đó là các dòng vốn đầu tư rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, tìm nơi đầu tư ổn định và có lợi - Việt Nam là một nơi được đánh giá cao về địa vị kinh tế và ổn định chính trị, xã hội.

Nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm được ổn định, Việt Nam sẽ có sức hút đầu tư nước ngoài rất lớn. “Dù khủng hoảng kinh tế nhưng người dân các nước này vẫn phải ăn, mặc, do vậy những mặt hàng nhu yếu phẩm của Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu. Việt Nam cũng phải nghiên cứu sâu hơn những cuộc khủng hoảng đang diễn ra, để có thể tránh được các ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng được các lợi thế cho sự phát triển của mình, đồng thời đẩy mạnh công cuộc đổi mới thể chế và công nghệ để tạo đà phát triển vững chắc hơn” - ông Lược nói.

5 giải pháp phát triển

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho hay, nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương nhất trong các nền kinh tế châu Á trước sự biến động của kinh tế thế giới, vì lạm phát cao, doanh nghiệp chưa đủ mạnh, thâm hụt ngân sách lớn và hoạt động của hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2012, nền kinh tế nước ta vừa phải khắc phục hậu quả của năm 2011, vừa bắt đầu tái cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

Các kịch bản kinh tế 2012 tùy thuộc vào tình hình kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng nào và việc Việt Nam chủ động ứng phó đối với biến động của thị trường quốc tế, nhưng phụ thuộc vào 5 yếu tố: đổi mới đồng bộ, nhanh chóng thể chế chính trị, kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước, giải quyết có hiệu quả các điểm nghẽn tăng trưởng, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư với hành lang pháp lý đủ hấp dẫn; Các doanh nghiệp có ý chí, chiến lược kinh doanh, marketing, nghiên cứu và phát triển, tích tụ vốn và nhân lực; Khôi phục lòng tin của nhân dân bằng môi trường dân chủ thực sự, khuyến khích mọi ý tưởng mới, sáng kiến của mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài vượt qua khó khăn trước mắt. Cuối cùng, thực hiện nghiêm chỉnh, có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.


Theo ông Nguyễn Mại, nếu 5 yếu tố trên đây được thực hiện đồng bộ thì tăng trưởng kinh tế cao, thậm chí cao hơn 6,5%; lạm phát dừng lại ở một con số, tình hình kinh tế - xã hội diễn biến tích cực, tạo tiền đề để những năm tiếp theo tăng trưởng cao hơn, có hiệu quả theo hướng bền vững.

Theo  An Ninh Thủ đô

Các tin cũ hơn