Châu Âu tìm lời giải khủng hoảng nợ

Thứ ba, 31/01/2012, 07:12
15 giờ ngày 30-1 theo giờ địa phương, tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu Âu gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm 2012.

 

Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh châu Âu không phải diễn ra trong không khí khẩn cấp giải cứu khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, chủ đề của hội nghị vẫn xoay quanh cuộc khủng hoảng nợ đã đeo bám nhùng nhằng châu Âu suốt thời gian qua.

Trước hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lạc quan nhận định: “Châu Âu không còn bên bờ vực nữa rồi! Khủng hoảng đã giảm”. Dù vậy, tình hình có vẻ như chưa lạc quan đến thế.

Vào thời điểm hội nghị, tổng bãi công phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng đã diễn ra ngay tại Bỉ, nơi hội nghị diễn ra và cuộc tranh luận gay gắt về tình hình giải cứu nợ Hy Lạp.

Không khí bãi công gần sân bay Charleroi ở miền
Nam nước Bỉ. Ảnh: BELGA (Bỉ)

 

Tại Hy Lạp, chính phủ vẫn thương lượng chưa thành công với các ngân hàng tư nhân để xóa khoản nợ then chốt 100 tỉ euro. Đức vẫn khăng khăng chưa đồng ý cấp cho Hy Lạp khoản vay mới tối thiểu 130 tỉ euro.

Trả lời báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 30-1, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble tuyên bố Hy Lạp sẽ không nhận được tiền nếu không tiến hành các cải cách đã công bố và cắt giảm chi tiêu.

Ông nhắc lại đề xuất Đức và các nước đối tác có thể nghiên cứu đặt Hy Lạp dưới chế độ bảo hộ của châu Âu, có nghĩa là châu Âu có toàn quyền phủ quyết mọi quyết định ngân sách của chính phủ Hy Lạp. Đề xuất này từng bị Hy Lạp bác bỏ vì xâm phạm đến chủ quyền quốc gia và một số nước châu Âu vẫn chưa nhất trí.

Trong khi đó tại Bỉ, ngày 30-1, một phần nước Bỉ đã bị tê liệt do các nghiệp đoàn tổ chức tổng bãi công để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Đây là cuộc tổng bãi công lớn nhất trong gần 20 năm nay do ba nghiệp đoàn lớn cùng hợp tác thực hiện và là cuộc tổng bãi công đầu tiên mà chính phủ mới của Thủ tướng Elio Di Rupo phải đối mặt.

Các nhân viên đường sắt bắt đầu bãi công từ đêm 29-1. Giao thông đường sắt tê liệt, kể cả các tuyến tàu liên vận cao tốc Thalys và Eurostar nối liền Bỉ với Pháp, Hà Lan, Đức, Anh. Tại thủ đô Brussels, không còn chuyến tàu điện, xe buýt, xe điện ngầm nào chạy.

Tại sân bay Brussels, một số chuyến bay bị hủy hoặc chậm nhưng nhìn chung giao thông hàng không hoạt động gần như bình thường. Ngược lại, sân bay Charleroi ở miền Nam Bỉ đã hủy toàn bộ các chuyến bay do những người tham gia bãi công đã phong tỏa đường sá trên cả nước khiến đường dẫn đến sân bay bị cắt. Đây là sân bay có nhiều công ty hàng không giá rẻ hoạt động.

Các nhân viên bưu điện tham gia bãi công. Cảng Antwerp vốn là một trong những cảng quan trọng của châu Âu ngừng hoạt động. Nhiều trường học đóng cửa.

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại Bỉ sẽ thông qua một hiệp ước mới nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách. Hiệp ước sẽ thiết lập một quy luật vàng để đưa nền kinh tế châu Âu trở lại cân bằng, chấn chỉnh Cơ chế bình ổn châu Âu (quỹ giải cứu tài chính) sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 7. Hội nghị cũng sẽ thảo luận các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Trước hội nghị vẫn chưa có quyết định cụ thể nào được công bố ngoài ý chí mong muốn sử dụng quỹ châu Âu để hỗ trợ giới trẻ thất nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Phapluattp.

 

 

Các tin cũ hơn