1. Thứ Hai (Ngày 30/01)
Mở màn các sự kiện quan trọng trong tuần tới là cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 30/01. Theo dự báo, cuộc họp lần này sẽ tập trung vào giải quyết tình trạng thất nghiệp cao trên khắp khu vực.
Một điểm cần lưu ý về cuộc họp này là Đức có thể ủng hộ việc thành lập một quỹ nhằm kích thích tăng trưởng tại Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng có thể nắm bắt được kế hoạch tái áp dụng các điều kiện ngắn và dài hạn của một số thỏa thuận nợ mà các nhà lãnh đạo từng bàn luận tại cuộc họp thượng đỉnh tháng 10 và tháng 12 năm ngoái.
2. Thứ Ba (Ngày 31/01)
31/01 là thời hạn chót để các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp đồng ý về thỏa thuận hoán đổi nợ với Chính phủ nước này.
Dù các cuộc đàm phán này được tổ chức rất kín đáo nhưng tiên lượng về một thỏa thuận thành công có vẻ khá ảm đạm. Các chủ nợ tư nhân không mấy mặn mà với nguy cơ thua lỗ 50% trên số trái phiếu Chính phủ Hy Lạp đang nắm giữ và điều này có thể đe dọa đến mức độ tham gia tự nguyện cần thiết của lĩnh vực tư nhân để tránh một cuộc khủng hoảng tín dụng.
3. Thứ Tư (Ngày 01/02)
Đây là một ngày khá nhộn nhịp của hoạt động đấu giá trái phiếu. Cả Bồ Đào Nha và Đức đều tổ chức đấu giá trái phiếu Chính phủ và chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 1 của Eurozone cũng sẽ được công bố trong ngày này.
4. Thứ Hai (Ngày 06/02)
06/02 là ngày Quốc hội Ý bỏ phiếu phê chuẩn một loạt biện pháp tăng trưởng và tài khóa mới. Các biện pháp phục hồi tăng trưởng và cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự hỗ trợ đối với nền kinh tế khó khăn này.
5. Thứ Năm (Ngày 09/02)
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố lãi suất tháng 2 sau khi giữ nguyên ở mức 1% trong tháng 1. Nhà đầu tư sẽ dõi theo sự thay đổi trong dự báo của ECB về sự bình ổn giá cả vì đây có thể là tín hiệu của việc thay đổi chính sách. Tiếp đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ tổ chức họp báo.
Trong thời gian gần đây, ECB đã thể hiện được vai trò quan trọng trong các chính sách ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt là việc giới thiệu các biện pháp thanh khoản. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ ngắn hạn của các quốc gia Eurozone giảm mạnh trong tháng trước.
Theo Vietstock