Bóng ma suy thoái rình rập nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm 2012 |
Bi quan hơn, Giám đốc giám sát kinh tế toàn cầu thuộc Phòng phụ trách về kinh tế và xã hội tại Liên hiệp quốc cảnh báo, nếu các nước thành viên châu Âu không đồng thuận về những biện pháp cơ bản nhằm khôi phục lòng tin của thị trường và kiềm chế nợ công lan rộng sang các nền kinh tế mạnh hơn, việc châu Âu rơi vào suy thoái trầm trọng là điều không thể tránh khỏi.
“Đáng lo ở chỗ là khi kinh tế đi xuống, căng thẳng nợ công và tình hình tài chính của các ngân hàng sẽ trở nên tồi tệ hơn, các nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy suy giảm giống như thời kỳ năm 2008, đồng tiền chung châu Âu có thể sụp đổ”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Vì vậy, ông đưa ra dự báo tăng trưởng GDP châu Âu chỉ đạt 0,2% trong năm 2012 và tiếp tục tăng trưởng yếu ớt trong những năm tiếp theo.
Mỹ khó thoát thảm cảnh
Tương tự khu vực đồng tiền chung euro, kinh tế Mỹ trong năm 2012 cũng nhận được những dự báo tiêu cực. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng mạnh, thị trường nhà đất đóng băng, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao... là những minh chứng cụ thể cho thấy, kinh tế Mỹ tuy đang phục hồi nhưng vẫn khá mong manh.
Ðó là một trong những lý do khiến không ít chuyên gia kinh tế dự đoán, nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng trở lại thời kỳ suy thoái.
Theo ông Ethan Harris, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch, dù kinh tế Mỹ phục hồi nhẹ trong những tháng gần đây nhưng kinh tế Mỹ sẽ lại đi xuống trong năm 2012. “Tính từ khi suy thoái kết thúc, kinh tế Mỹ tăng trưởng rồi sau đó lại đi xuống. Mỗi lần như vậy thường có cú sốc xảy đến cản đà tăng trưởng của nền kinh tế và cú sốc đó có thể xảy ra trong năm tới”, ông Harris nhấn mạnh.
Chuyên gia này dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ vẫn hoạt động trong năm tới bằng cách kéo dài lớn hứa giữ lãi suất gần 0 vào năm 2014 và công bố một chương trình mua tài sản lớn khác sau khi chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) kết thúc mùa hè tới.
Tuy nhiên, ông Harris không mấy lạc quan về vai trò của QE3 trong việc thúc đẩy nền kinh tế. “Nó chỉ đóng vai trò tăng cường niềm tin chứ không thực sự giải quyết được vấn đề cốt lõi”, chuyên gia của Bank of America Merrill Lynch quả quyết.
Thêm vào đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới này lại đang đối mặt với quá nhiều rủi ro: chi tiêu của các hộ gia đình giảm, bất bình đẳng đang tăng lên và bế tắc chính trị.
Gần đây, tuy đang có những bước tiến cần thiết để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, nhưng thị trường chứng khoán, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, USD, bất động sản lại trở nên quá mạo hiểm. Tốc độ phục hồi yếu ớt của lĩnh vực sản xuất cũng là điều mà chuyên gia kinh tế này thực sự lo ngại.
Vì vậy, ông Harris cho rằng, tăng trưởng GDP của Mỹ có thể chỉ dừng ở mức 1,8% trong năm 2012 và sẽ không thật sự khởi sắc cho tới năm 2014.
Trước viễn cảnh kinh tế Mỹ phục hồi mong manh, trong khi lục địa già tiến dần tới bờ vực suy thoái này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo, nền kinh tế thế giới nhìn chung sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn hơn trong năm 2012. Song song với nhận định đó, IMF đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống thấp hơn 3,6% trong năm tới.
Theo Đất Việt