Ông cho rằng 2012 là một năm rất khó khăn nhưng nếu biết nắm thời cơ thì các doanh nghiệp (DN) lại có nhiều cơ hội để phát triển. Cơ hội lớn đó là nền tảng kinh tế vĩ mô đã tạo được bước vững chắc và ổn định hơn năm trước. Việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ một cách mạnh mẽ với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội liên tục từ đầu năm 2011 cho đến nay đã đạt kết quả tích cực...
|
Sự ổn định và vững chắc này theo ông có thể trở thành tiền đề để kéo lạm phát xuống 1 con số như mục tiêu của Chính phủ đề ra?
5 tháng cuối năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng hằng tháng đều chỉ tăng dưới 1%. Điều này chứng tỏ các chính sách của chúng ta đã phát huy tác dụng. Đây cũng là tiền đề để kiềm chế tốc độ tăng giá trong nửa đầu năm 2012. Bởi vậy, dù thận trọng nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, mục tiêu lạm phát 9% là có cơ sở để thực thi, dù phải chịu sức ép rất lớn từ áp lực tăng giá các mặt hàng chủ chốt như điện, than hay tỷ giá, kế hoạch tăng lương trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến lo ngại năm 2012, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức?
Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mặt trái của nó là các DN gặp khó khăn hơn do tác động phụ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thắt chặt. Mặc dù Chính phủ cũng có những biện pháp hỗ trợ giảm bớt tác động tiêu cực đến DN, nhưng năm 2012 vẫn sẽ là một năm khó khăn đối với DN. Bên cạnh đó thị trường bất động sản, chứng khoán sụt giảm mạnh khiến cho hệ thống ngân hàng (NH) là điểm cuối cùng chịu áp lực, hệ thống NH đối mặt với khó khăn thanh khoản và nợ xấu. Do vậy, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ DN tiếp tục có nguồn vốn phát triển trong thời gian tới đây.
''Nhân tố quan trọng hàng đầu giúp cho nền kinh tế vượt khó trong năm 2012 là giảm lãi suất phù hợp với thực tiễn'' - TS Vũ Viết Ngoạn |
Một thách thức nữa từ bên ngoài là kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tăng trưởng kinh tế thế giới được nhận định sẽ giảm sút hơn năm 2011, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm từ mức 7,8% năm 2011 xuống mức 5,8% năm 2012. Các thị trường xuất khẩu chính của VN là Mỹ, EU cũng giảm nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, giá hàng hóa quốc tế - yếu tố hỗ trợ mạnh tăng trưởng xuất khẩu của năm 2011 cũng được dự báo giảm đáng kể. Các yếu tố này sẽ tác động đến xuất khẩu đồng thời giảm khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào VN nói riêng, các nền kinh tế mới nổi nói chung.
Một trong những vấn đề then chốt để giảm lãi suất (LS) là phải tháo gỡ nút thắt thanh khoản cho các NH. Với tư cách là người đứng đầu Ủy ban GSTC ông có khuyến nghị gì?
Nhân tố quan trọng hàng đầu giúp cho nền kinh tế vượt khó trong năm 2012 là giảm LS phù hợp với thực tiễn. Mặt bằng LS năm 2012 cần giảm 4 - 5% so với hiện nay. Mức giảm LS trên có thể giúp nền kinh tế giảm chi phí sản xuất đầu vào và giá thành khoảng 100 nghìn tỉ đồng. Để đạt được mục đích này, trước mắt cần tập trung giải quyết bài toán thanh khoản. Trong tình hình hiện nay, về mặt chính sách có sự nới lỏng nhất định. Ở đây không phải là nới lỏng tín dụng một cách rộng rãi, mà là vẫn tiếp tục thực hiện khống chế tăng trưởng tín dụng mức 15 - 17% nhưng làm thế nào mở rộng hơn năm 2011. Có thể tăng thanh khoản cho hệ thống một cách hợp lý, chủ yếu tập trung cho việc điều hòa, giải quyết những khó khăn về vốn khả dụng. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng không chảy vào đầu tư, tiêu dùng trong phạm vi mục tiêu sẽ không gây hiệu ứng lạm phát. Bên cạnh đó, làm sao để thị trường tiền tệ luân chuyển tốt hơn vì hiện thị trường liên NH đang bị ách tắc. Do vậy, rất cần có những chính sách thích hợp để điều tiết thị trường liên NH, đưa thị trường này hoạt động trở lại theo chiều hướng tốt lên, khôi phục lại lòng tin của các tổ chức tín dụng và khai thông nguồn vốn trên thị trường này, từ đó đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển vốn trong hệ thống NH.
|
Theo tôi, điều hành chính sách tiền tệ 2012 tiếp tục theo hướng chặt chẽ nhưng có sự điều tiết hợp lý. Bên cạnh định hướng tập trung tín dụng đối với nông nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất xuất khẩu, NH Nhà nước cần xem xét nới lỏng tín dụng tiêu dùng và một số phân khúc của thị trường bất động sản; đặc biệt quan tâm đối tượng DN nhỏ và vừa. Dự báo trong năm 2012, tỷ giá chỉ biến động trong khoảng 5 - 6%. Tuy nhiên, tỷ giá của VN vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể của việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng. Theo đó, để kiểm soát tốt tỷ giá, NH Nhà nước phải có giải pháp để quản lý có hiệu quả thị trường vàng. Mặt khác, do lạm phát liên tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài nên nếu chỉ điều chỉnh giảm giá VND ở mức thấp sẽ tiếp tục duy trì tình trạng “VND được định giá cao” có thể tạo sức ép lên tỷ giá trong dài hạn.
3 kịch bản cho nền kinh tế Kịch bản tốt khi điều kiện kinh tế thế giới khả quan, kim ngạch xuất khẩu của VN dự báo tăng từ 12 - 13%; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu dự báo đạt 11 - 12%, tăng so với tỷ lệ 9,9% năm 2011. Tăng trưởng GDP của VN năm 2012 có thể đạt từ 6 - 6,3%, lạm phát duy trì ở mức 8 - 10%... Kịch bản trung bình khi sản lượng thế giới giảm khoảng 1% và thương mại giảm khoảng 3 - 4% so với 2011. Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu của VN năm 2012 dự báo đạt tương ứng 8 - 9% và 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu theo đó dự báo đạt từ 7 - 8%. Tăng trưởng GDP đạt từ 5,6 - 5,9%. Kịch bản xấu xảy ra khi kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái, kim ngạch xuất khẩu VN chỉ tăng từ 5 - 6% so với năm 2011. Lạm phát dự báo sẽ giảm còn 8 - 9%, tăng trưởng GDP của VN chỉ đạt từ 5,2 - 5,5%. TS Vũ Viết Ngoạn nhận định trong 3 kịch bản nói trên, kịch bản trung bình nhiều khả năng xảy ra nhất. |
Doanh nghiệp tận dụng cơ hội Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Năm 2011, xuất khẩu thủy sản VN thắng lớn, đạt kim ngạch 6,1 tỉ USD. Chúng tôi nhận định, năm 2012 chúng ta sẽ tiếp tục có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản cả về lượng và giá trị, mục tiêu hướng đến là thu về 6,5 tỉ USD. Tuy nhiên, thủy sản VN cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào do quy hoạch vùng nuôi không ổn định, ngày càng nhiều lô hàng thủy sản của VN bị các nước cảnh báo có dư lượng thuốc kháng sinh và tạp chất, sự cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu thủy sản cũng như những rào cản kỹ thuật và sự bôi nhọ uy tín thương hiệu thủy sản Việt trên thị trường thế giới. (Ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN) Q.Duẩn (ghi) Giữ vững sản xuất. Đơn hàng đặt đã tới quý 3/2012 nhưng vẫn phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế châu Âu và Mỹ, vì đơn hàng vẫn chỉ là “trên giấy”. Như quý 4/2011, tất cả các công ty may đều có đơn đặt hàng, nhưng do khí hậu châu Âu và Mỹ thay đổi, cộng thêm tình hình kinh tế khó khăn nên khách hàng nhập giảm đi tới một nửa đơn hàng. Hiện thị trường châu Âu chiếm 60% đơn hàng xuất, Mỹ chiếm 40%, nhưng rất khó mở rộng thêm thị trường do kinh tế biến động nhiều. Khó khăn về LS và vốn vay vẫn rất lớn nên chúng tôi không có nhiều hy vọng lạc quan trong năm nay. (Ông Lê Nguyên Ngọc - Giám đốc Công ty may Việt Thắng) Mai Hà (ghi) |
Theo Thanhnien