Có chuyên gia kinh tế tên tuổi đã cảnh báo: bức tranh kinh tế 2011 là ảm đạm nhất kể từ những năm đổi mới đến nay.
Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như một ngọn lửa sưởi ấm những ngày lạnh cuối đông Tân Mão.
Nhấn mạnh vai trò của tầng lớp doanh nhân, chỉ ra cả mặt mạnh và hạn chế của doanh nhân Việt Nam giai đoạn mới, Đảng khẳng định cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp. Đặc biệt, một nội dung được chú ý trong Nghị quyết là nhấn mạnh vai trò chủ động của giới doanh nhân khi yêu cầu: "tạo điều kiện cho các doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng, triển khai các quy hoạch phát triển ngành hàng, kinh tế vùng và địa phương".
Chỉ vỏn vẹn một câu nhưng đã sáng lên một cách nhìn mới, một cách tư duy mới. Khác với thói quen lâu nay, nói đến doanh nhân là nói đến lợi nhuận, là "thương mại hóa", nếu có "ưu ái" hơn cũng chỉ là hoan nghênh đóng góp về tiền của cho các hoạt động xã hội- từ thiện, lần đầu tiên trong một Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng đã khẳng định giá trị của trí tuệ, của tri thức mà giới doanh nhân hoàn toàn có thể đóng góp cho đất nước một cách xứng đáng, xứng tầm nhằm mở lối đi lên giàu mạnh vững bền.
Ngọn lửa đã sáng lên trong quan điểm chỉ đạo. Nhưng để ngọn lửa ấy lan tỏa, bền vững, thực sự trở thành nguồn lực mạnh mẽ giúp giới doanh nhân phát huy cao nhất trí tuệ, sức mạnh của mình để làm giàu cho cá nhân và đất nước thì còn cần lắm những thay đổi từ gốc rễ.
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thẳng thắn nhận xét khi ban hành Nghị quyết này: "Rằng hay thì thật là hay - Xem ra thực hiện còn gay trăm bề". Câu thơ dân dã nhưng chất chứa sự thấu hiểu, tường minh về hiện thực còn bao vướng mắc.
Một ví dụ là Đề án 30 với mục tiêu loại bớt các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, cắt giảm đáng kể chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn gặp không ít trở ngại.
Điều chắc chắn, chẳng có lý gì để những công chức đầy quyền lực vui vẻ khi bị cắt bỏ đi những "công cụ" dùng để "hành là chính" của mình. Thế nhưng, việc cắt bỏ các văn bản không cần thiết dẫu sao cũng còn dễ hơn việc chấn chỉnh thái độ và cách làm của đội ngũ công chức tiếp xúc với doanh nghiệp. Xóa bỏ văn bản là cần nhưng cần hơn là làm cho các văn bản trở nên rõ ràng, rành mạch, cũng một cách hiểu, tránh để cán bộ công quyền "áp" (hay ép) thế nào cũng được.
Sự ách tắc không chỉ nằm ở rườm rà của hệ thống luật lệ mà hơn thế là vẫn có không ít các công chức đang tận dụng sự phiền hà với doanh nghiệp là mảnh đất mầu mỡ của cửa quyền và lạm quyền. Một dấu chấm, một dấu phẩy, doanh nghiệp cũng có thể bị bắt bẻ, lên xuống toát mồ hôi, trong khi công chức ẩn rất kín trong hệ thống luật lệ rườm rà, phức tạp. Doanh nghiệp đưa văn bản lên, chờ đợi cả buổi mới đến lượt, cán bộ công quyền chỉ cho một lỗi sai. Về chỉnh sửa xong, chờ đợi cả buổi, lên gặp, lại được "hé" ra một lỗi cần sửa nữa. Cứ như thế nhiều lần, cho đến khi doanh nghiệp phải "hiểu ra vấn đề", phải "tìm cách tiếp cận khác".
Không ít doanh nghiệp nhập khẩu bị áp thuế sai, chạy đi chạy lại với nhiều cơ quan công quyền với không biết bao nhiêu con dấu, thuê tư vấn khiếu nại nhiều cấp. Đến khi chứng minh được hải quan làm không đúng thì đã mất cả tháng trời, doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép mà chẳng biết kêu ai.
Không ít những doanh nhân tâm huyết vẫn còn đó những ưu tư khi ý kiến của họ không được lắng nghe, thậm chí không ít người còn coi sự "kín tiếng" là một phẩm chất cần thiết để doanh nhân vươn lên trong môi trường pháp lý còn nhiều bất cập.
Cơ chế nào để họ chủ động tham gia xây dựng và thực hiện các quy hoạch kinh tế vùng, kinh tế địa phương khi việc quy hoạch này lâu nay vẫn được coi là việc của riêng cơ quan quản lý nhà nước? Sự "úp mở" này đang bị dư luận lo ngại là sẽ sinh ra lợi ích nhóm, sinh ra đặc quyền đặc lợi và có lẽ nỗi ưu tư "xem ra thực hiện còn gay nhiều bề" của người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng chính là đề cập đến những nỗi lo như thế.
Trân trọng và tin cậy doanh nhân, tạo hành lang pháp lý để họ dốc sức vào công cuộc kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước là giải pháp cần thiết, bền vững cho sự phát triển lâu dài.
Nhớ lại những ngày đầu độc lập, nếu không có một tấm lòng rộng mở, trân trọng và khuyến khích sự đóng góp của các doanh nhân thì làm sao chúng ta có một nguồn ngân sách "Tuần lễ vàng" đủ chi dùng cho công cuộc kiến thiết và đối phó với đủ loại thù trong giặc ngoài khi thế nước ngàn cân treo sợi tóc? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gửi thư cho "các ngài giới công thương" với những lời lẽ thật thuyết phục và trọng thị: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công-Thương trong công cuộc kiến thiết này".
Những ngày đầu đổi mới, sự chân tình, cởi mở và thấu hiểu của những nhà lãnh đạo cao nhất cũng đã góp phần tạo dựng một đội ngũ doanh nhân khát khao vươn lên làm giàu và dựng xây đất nước.
Tinh thần ấy vẫn đang được nối tiếp, tập trung và thống nhất như bản Nghị quyết Bộ Chính trị dành riêng cho giới doanh nhân lần này. Vấn đề là thực thi Nghị quyết, là đưa văn bản vào cuộc sống, biến đường lối đúng thành hiện thực sinh động, thuyết phục, nảy mầm những sáng tạo cho đất nước đi lên.
Khó khăn cũng là cơ hội để cải cách. Kỳ lạ là trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, lại thấy sáng lên tư duy mới, cách làm mới, để từ đáy khủng hoảng tìm được lối ra bền vững.
Và những lúc nền kinh tế khó khăn như thế, doanh nhân luôn là một lực lượng đi đầu cùng cả cộng đồng sáng tạo, bền bỉ vượt lên thách thức. Nghị quyết về doanh nhân của Đảng lần này đã thắp lên ngọn lửa niềm tin về tương lai phát triển bền vững của đất nước mà giới doanh nhân là một trong những chủ thể không thể thiếu.
Theo VEF