Ít ai biết rằng, 5 năm qua, VSD đã đưa ra những quyết định lớn, tạo dựng một nền tảng vững chắc cho thị trường hoạt động ổn định, an toàn. Để hiểu hơn về “mắt xích” quan trọng này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc VSD.
Những quyết định sáng suốt
8 năm (1997-2005) làm chuyên viên rồi lãnh đạo ở Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK, bà Hương hiểu khá rõ hoạt động của các CTCK dù trước đây, hoạt động của khối CTCK khá “thuần” với các nghiệp vụ truyền thống, chưa đa dạng, chưa “biến thái” như hiện nay.
Cũng chính điều này ít nhiều hỗ trợ bà trên cương vị điều hành VSD. Tuy là ngành hẹp hơn, nhưng lại có độ chuyên sâu hơn, đòi hỏi các quyết định “táo bạo” hơn, nhất là ở khía cạnh triển khai các giải pháp giám sát việc tuân thủ nguyên tắc tách bạch về quản lý tài sản của người đầu tư.
Trong nhiều kết quả đã đạt được, phải nói đến việc thay đổi cơ chế quản lý tài khoản lưu ký chứng khoán từ cấp tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư (tài khoản tổng), sang quản lý thông tin sở hữu đến “tận chân” từng nhà đầu tư.
Sự thay đổi này đã giúp hoạt động giám sát TTCK thuận lợi, đảm bảo sự công khai, minh bạch. Ý tưởng quản lý thông tin sở hữu chứng khoán đến tận tài khoản của người đầu tư là xuất phát từ VSD.
“Mình cảm nhận đến một lúc nào đấy, khi TTCK đã có những bước phát triển nhất định mà không nắm bắt được tình hình tài khoản từng nhà đầu tư thì sẽ rất khó cho cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát thị trường”, bà Hương chia sẻ.
Ý tưởng thay đổi hoàn toàn hệ thống công nghệ cũng được VSD manh nha từ năm 2008. Vào thời điểm đó, tận dụng chủ trương của Bộ Tài chính là ưu tiên ngân sách đầu tư hệ thống công nghệ thông tin cho Sở GDCK và VSD, Trung tâm đã triển khai dự án trang bị mới các thiết bị công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm mới cho hoạt động nghiệp vụ.
Dự án thực hiện trong hơn 2 năm, sau đó hệ thống mới của VSD chính thức hoạt động từ tháng 4/2010. Thực tế cho thấy, hệ thống công nghệ mới của VSD đã được đưa ra ứng dụng kịp thời, phát huy hiệu quả, số tiền từ ngân sách nhà nước được đầu tư đáng “đồng tiền bát gạo”.
Những tưởng, việc thanh toàn bù trừ đơn giản, nhưng thực tế không phải như vậy. Đây là hoạt động đòi hỏi cơ chế quản lý rủi ro rất cao, trong khi tại VSD, các cơ chế này chưa đầy đủ và đồng bộ như hệ thống vay và cho vay chứng khoán tự động, do nhiều lý do khách quan.
Khác với các CTCK, rủi ro trong thanh toán bù trừ nếu phát sinh tại VSD là rủi ro mang tính hệ thống, không phải rủi ro cá biệt có thể loại trừ và VSD chịu trách nhiệm quản lý rủi ro đó.
“Chỉ thiếu 100 cổ phiếu do thành viên nào không kiểm soát số dư của người đầu tư khi thực hiện giao dịch bán, thì hệ thống thanh toán của cả thị trường (do VSD vận hành) cũng đã bị ảnh hưởng, thậm chí phải ngưng lại, nếu không tìm được nguồn chứng khoán hỗ trợ ”, bà Hương chia sẻ. Vì vậy, vấn đề quản trị rủi ro của hệ thống thanh toán luôn được đặt ra trước tiên khi xem xét việc ứng dụng cơ chế sản phẩm dịch vụ mới.
Đơn cử, để có thể rút ngắn thời gian giao dịch, cần phải nghiên cứu rất kỹ thông lệ và tập quán tại các thị trường đi trước để hiểu rõ các rủi ro phát sinh và cơ chế phòng ngừa rủi ro tương ứng.
“Biết là nhà đầu tư ai cũng mong sớm được thực hiện cơ chế giao dịch trước khi chứng khoán về tài khoản, nhưng với tư cách là đơn vị tổ chức vận hành hệ thống thanh toán, thì phải nhìn thấy được toàn bộ rủi ro thanh toán sẽ được kiểm soát như thế nào để đảm bảo sự an toàn, liên tục trong vận hành toàn thị trường, mới yên tâm đưa vào ứng dụng”, bà Hương nói.
Với quyết định thay đổi cả một hệ thống công nghệ, so với các “đồng nghiệp” trong khối ASEAN, VSD đã có một bước tiến vượt bậc.
“Khi cộng tác với một thị trường tiên tiến như Hàn Quốc để làm một số dự án, bản thân họ ngỡ ngàng về sự phát triển của mình đối với các sản phẩm dịch vụ truyền thống”, bà Hương chia sẻ.
“Tất nhiên, các giải pháp đồng bộ về quản lý rủi ro đối với hệ thống thanh toán, các dịch vụ gia tăng và các dịch vụ ngoài dịch vụ truyền thống thì mình vẫn còn phải học hỏi họ nhiều”, bà Hương khiêm tốn nói.
Mỗi năm là một thách thức mới
Gắn bó với VSD từ ngày đầu tiên, nhưng cứ đến thời khắc kết thúc năm cũ, chào đón năm mới là bà Hương lại có những cảm xúc khác nhau. Những ý tưởng mới luôn là thử thách mới với đối với người lãnh đạo.
Năm 2012, với định hướng tái cấu trúc TTCK mà Bộ Tài chính, UBCK đang triển khai, nhiệm vụ của VSD ngày một nặng nề. Là người chèo lái VSD, bà Hương cho biết, trong năm 2012, VSD cũng tham gia vào định hướng tái cấu trúc hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, trong đó đặt nội dung trọng tâm là hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ.
Bởi suy cho cùng, sự thành công của bất kỳ thị trường tài chính nào cũng cần phải dựa trên sự vận hành hiệu quả, an toàn của hệ thống bù trừ và thanh toán.
Đây là yếu tố hạ tầng nền tảng của thị trường, đồng thời là phương tiện để các cơ quan quản lý và tổ chức thị trường quản lý rủi ro thanh toán, thực thi các chính sách tài chính, tiền tệ, đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống tài chính.
Nếu hệ thống bù trừ, thanh toán không được thiết kế tốt và không có khả năng quản lý rủi ro phát sinh từ việc mất khả năng thanh toán của các thành viên hoặc từ những nhiễu loạn trong hoạt động thì các vấn đề về thanh khoản, tín dụng sẽ xẩy ra.
Tuy nhiên, để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào thì nguồn nhân lực vẫn là cốt lõi. Với VSD, bên cạnh nguồn nhân lực, còn phải là công nghệ, được coi là xương sống cho toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ.
Do vậy, không chỉ chủ động đầu tư, đào tạo nguồn lực, VSD còn luôn phải tính xa hơn về việc thay đổi hệ thống công nghệ. Lúc này, VSD đã phải tính đến việc sẽ thay đổi cho 2, 3 năm sau. Đặc biệt, dự định trong năm 2012, VSD sẽ chính thức áp dụng chữ ký kỹ thuật số (CA) để giảm thiểu thời gian, chi phí cho các thành viên thị trường.
Với quan niệm, một cơ thể khỏe mạnh mới có thể làm việc tốt, bà Hương hy vọng trong năm 2012, khi đề án tái cấu trúc TTCK được thực thi, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin tốt lành hơn và sẽ vận hành hiệu quả hơn.
Theo ĐTCK