Ngành điện bù lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng cho thép và xi măng

Thứ năm, 19/01/2012, 15:46
Chiếm hơn 11% tổng sản lượng điện thương phẩm, theo kết quả kiểm toán nhà nước, chỉ trong 1 năm, ngành điện đã phải bù lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng cho ngành thép và xi măng.


 

Báo cáo của Kiểm toán nhà nước mới công bố hồi cuối năm 2011 cho thấy, trong năm 2010, các đối tượng sử dụng cho sản xuất thép và sản xuất xi măng tiêu thụ sản lượng điện lên tới gần 9,5 tỷ kWh, chiếm 11,06% tổng số lượng điện thương phẩm của EVN.

Trong đó, sản lượng bán cho các hộ sản xuất thép và xi măng có vốn trong nước chiếm 79% sản lượng, gấp gần 4 lần so với những đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 21%).

Tuy nhiên, giá bán bình quân cho các hộ sản xuất sắt, thép và xi măng năm 2010 chỉ là 914 đồng/kWh, thấp hơn giá thành điện bình quân (1.183 đồng/kWh).

Nếu tính chênh lệch giữa giá bán bình quân cho các hộ sản xuất thép và xi măng so với giá thành sản xuất điện thì ngành điện đang phải bù lỗ là 2.547 tỷ đồng. Tính riêng các nhà máy sản xuất thép và xi măng có vốn đầu tư nước ngoài thì số tiền chênh lệch mà ngành điện phải bù là 506 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng đã chỉ ra rất rõ, sản lượng điện tiêu thụ của ngành sản xuất thép và xi măng rất lớn, chiếm 11,06% tổng sản lượng điện thương phẩm.

Do đó quy hoạch và phát triển ngành thép và xi măng không phù hợp theo quy hoạch ngành điện sẽ phá vỡ quy hoạch của ngành điện, gây hiện tượng thiếu điện, phải mua điện bên ngoài hoặc phát điện với giá cao, gây khó khăn cho ngành điện.

Mặt khác, cũng theo kết luận của kiểm toán nhà nước, mặc dù nhà nước đã có nhiều cơ chế đặc thù cho ngành điện để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện như: Được chỉ định thầu, vừa thiết kế, vừa thi công, ưu đãi vay vốn… song tiến độ thực hiện vẫn chậm.

Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đã làm giảm hiệu quả của dự án, tăng lãi vay, chậm đưa công trình hòa lưới điện quốc gia trong bối cảnh thiếu điện làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Trong khi đó, chúng ta lại chưa xác định giá trị phạt chậm tiến độ đối với các nhà thầu; quyết toán vốn đầu tư chậm; khả năng huy động, thu xếp vốn để hoàn thành các dự án gặp khó khăn; công tác báo cáo, kiểm tra, giám sát đánh giá dự án chưa đầy đủ, kịp thời...

Theo Dân trí

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn