Khởi đầu rầm rộ nhất, chỉ trong một ngày, nhà bán lẻ hàng điện tử, điện máy Nguyễn Kim đã tạo ấn tượng mạnh khi bỏ ra hơn trăm tỷ đồng mở 5 điểm bán lẻ 4 tỉnh, thành phố lớn gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Biên Hòa. Đại diện Nguyễn Kim tiết lộ, doanh nghiệp này sẽ mở 12 điểm bán lẻ mới trong năm 2012, để đến năm 2015, nâng tổng số điểm bán lẻ lên 50 điểm.
Chính thức kinh doanh bán lẻ từ năm 1991, trong suốt 10 năm, Nguyễn Kim chỉ mở được 5 điểm bán lẻ. Thế nhưng, chỉ riêng năm 2011, nhà bán lẻ này đã khai trương thêm 5 điểm bán mới. Đây là sự bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp với quyết tâm bám chặt, bám sâu thị trường nội địa.
Theo tính toán của Nguyễn Kim, để mở một siêu thị bán lẻ hàng điện máy với diện tích mặt bằng tối thiểu 1.000 m2, doanh nghiệp phải có 15-20 tỷ đồng. Như vậy, để mở khoảng 40 siêu thị trong 4 năm tới, Nguyễn Kim phải đầu tư ít nhất 600 tỷ đồng.
Ông Phan Linh Phương, Phó giám đốc Marketing của Nguyễn Kim cho biết, doanh thu của một số nhóm hàng như điện thoại, ti vi, laptop… tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong vòng 5-7 năm tới. Đó là lý do khiến Nguyễn Kim dồn sức mở thêm điểm bán lẻ nhằm tận dụng tối đa kinh nghiệm và lợi thế có được sau 10 năm hoạt động.
Không chỉ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ thuộc nhóm hàng điện tử điện máy chi lớn cho bán lẻ, Vinatex Mart, siêu thị bán lẻ hàng dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng chớp cơ hội mở liền 5 siêu thị dệt may trong hơn 1 tháng qua tại TP.HCM, Hòa Bình, An Giang, Tây Ninh và Gia Lai. Tổng vốn đầu tư cho 5 điểm bán lẻ mới này là hơn 100 tỷ đồng.
Với mục tiêu đến năm 2015 sẽ phát triển hệ thống lên 200 siêu thị, cửa hàng, Ban lãnh đạo Vinatex Mart đang đẩy mạnh đàm phán thuê mặt bằng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc Vinatex Mart cho hay, theo kế hoạch năm 2012, Vinatex sẽ mở thêm 12 điểm bán mới, nâng tổng số siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống lên 75 siêu thị.
Với 9 cửa hàng giới thiệu sản phẩm chính thức, cùng 69 đại lý trên toàn quốc, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Thế nhưng, với tham vọng mở rộng mạng lưới kinh doanh, Hanosimex vừa khai trương Trung tâm Thương mại Hanosimex tại Bắc Hà, Mỗ Lao, Hà Đông (Hà Nội).
Theo ông Chu Trần Trường, Tổng giám đốc Hanosimex, với lợi thế lọt top 500 sản phẩm - dịch vụ hàng đầu Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2020, Hanosimex sẽ đầu tư lớn để mở rộng và tổ chức mạng lưới đại lý và cửa hàng bán lẻ trong nước để khai thác sức mua của thị trường nội địa. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này là 4.541 tỷ đồng, trong đó một phần dành cho mở rộng mạng lưới kinh doanh nội địa.
Dồn dập mở thêm điểm bán lẻ mới tại nhiều tỉnh, thành phố lớn vừa là mục tiêu chiến lược, vừa là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp trong việc làm chủ thị trường trong nước. Tuy nhiên, sự gia tăng chuỗi bán lẻ với độ phủ rộng khắp của doanh nghiệp chưa chắc đã hấp dẫn người tiêu dùng, nếu việc đầu tư chỉ tập trung phát triển trên diện rộng, mà chưa đạt đến độ sâu, tính bền vững.
Đơn cử trong ngành hàng dệt may, sự xuất hiện của 63 siêu thị Vinatex Mart trên cả nước dường như chưa tạo được sức hút bằng Gap, nhà bán lẻ hàng may mặc hàng đầu của Mỹ mới khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại TP.HCM. Gap đã khéo léo thu hút sự vào cuộc của giới trẻ khi mời đội ngũ khách mời là những người nổi tiếng trong làng giải trí tham dự buổi khai trương.
Theo kế hoạch, Gap sẽ tiếp tục mở thêm một số cửa hàng tương tự tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2012. Gap chọn cách tập trung vào một số mặt hàng thuộc những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Thêm nữa, Gap chọn đối tượng khách hàng chính là trẻ em, thanh thiếu niên, vốn tiêu thụ nhiều hàng thời trang hơn cả phân khúc khách hàng kinh doanh.
Sự đầu tư bài bản của Gap thực sự là mối đe dọa đối với các doanh nghiệp nội chỉ chú tâm vào phát triển theo chiều rộng. Đây cũng là lời cảnh báo với không chỉ riêng các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trong ngành hàng may mặc, mà cả các lĩnh vực điện tử, điện máy.
Theo Báo đầu tư