Dự án "chín non"

Thứ năm, 19/01/2012, 10:41
Với những công trình được xây dựng đúng quy trình, đúng tiến độ mà còn không an tâm thì liệu những công trình bị thúc ép theo kiểu "chín non", liệu có an toàn?


Dự dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Mông Dương - Cửa Ông
được thông xe kỹ thuật sớm hơn đúng 8 giờ so với thời hạn.

 

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Người dân thì vẫn chỉ biết chờ đợi và Nhà nước thì lại phải xuất hầu bao. Nhưng tiền đó là của ai, nếu không là tiền thuế của dân?

Sau động thái có vẻ quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, một số dự án, công trình thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã về đích đúng hạn.

Những đứa trẻ chỉ lớn khi bị... ăn roi

Đơn cử, tại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18, đoạn Mông Dương - Cửa Ông (Quảng Ninh) của liên doanh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần Việt Đức với tổng chiều dài 10.7 km, chỉ từ khi nhận được "tối hậu thư" của Bộ trưởng (tháng 9.2011), dự án mới kịp hoàn thành đúng tiến độ.

Như vậy, chỉ với ba tháng cuối năm 2011, khối lượng công việc đã hoàn thành tương đương với toàn bộ khối lượng thi công trong vòng hai năm rưỡi trước đó.

Đặc biệt, tại công trình Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, một công trình được ông Nguyễn Bá Thanh ví như là một nỗi nhục quốc thể cũng đã kịp "về đích" đúng như dự kiến sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ra lệnh "trảm" Trưởng ban Quản lý dự án ngay tại công trường sau chuyến thị sát ngày 04.10.2011.

Chỉ trong vòng vài tháng sau khi Trưởng ban QLDA bị cách chức, dự án vốn dự kiến được bàn giao và đưa vào khai thác trong quý I năm 2010 này cũng kịp hoàn thành như yêu cầu mới, cuối năm 2011.

Qua một vài ví dụ điển hình này, chúng ta thấy rằng các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng mọi yêu cầu về tiến độ và kỹ thuật thi công, ngay cả các công trình có những tiêu chuẩn khắt khe.

Tuy nhiên, hầu như họ chưa ý thức được các giá trị của việc phải đảm bảo tiến độ, chất lượng như là một minh chứng để khẳng định tên tuổi, thương hiệu của họ, chỉ khi bị dọa trảm, cắt, cách chức ... thì mới có sự biến chuyển rõ rệt.

Qua bao nhiêu năm, dường như những người làm công tác quản lý dự án cũng như nhà thầu Việt Nam vẫn là một đứa trẻ "không chịu" lớn. Để họ làm được việc thì phải có người cầm cây roi đứng đằng sau dọa dẫm, hối thúc.

Đây cũng là nguyên nhân chính của một thực trạng nhức nhối đã tồn tại từ rất lâu mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng nhận ra. Đó là hầu như các công trình trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình năng lượng, thủy điện lớn đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, trong khi thực ra năng lực của họ có hơn gì các doanh nghiệp Việt Nam?

Để rồi chuyện chậm trễ tiến độ đã thành một căn bệnh, thành "chuyện thường ngày ở huyện" trên khắp đất nước Việt Nam và mỗi công trình đều là một nỗi nhục quốc thể đúng nghĩa.

....Và "chín non"

Tuy một số dự án về đích đúng hạn đã ít nhiều làm nức lòng người dân cũng như những người có trách nhiệm nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế là bài toán chất lượng của các công trình xây dựng có vốn đầu tư Nhà nước nói chung và một số dự án bị ép theo kiểu "chín non" như đã nêu vẫn còn là một ẩn số.

Hầu như không có ngoại lệ, chất lượng kém đã như một sự thật hiển nhiên. Hầu hết các công trình do Nhà nước đầu tư đều có vấn đề về chất lượng.

Hàng loạt các công trình mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã bong tróc, xuống cấp trong một thời gian ngắn. Dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương xuất hiện hàng ngàn ổ gà, ổ voi chỉ sau khi đưa vào sử dụng gây hàng trăm vụ tai nạn giao thông.

Sự cố lún, nứt cầu Văn Thánh, cầu Thăng Long vẫn đang thách thức lòng kiên nhẫn của những nhà khoa học lẫn người dân ... Và mới đây, một vài sự cố đã xảy ra ngay chính công trình nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng.

Khi trả lời báo chí về sự cố kỹ thuật này, ông Nguyễn Hoàng Liên, Chánh Văn phòng Tổng công ty cảng Hàng không miền Trung cho biết đây chỉ là khiếm khuyết nhỏ và đã được xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, đây có phải là những lỗi nhỏ duy nhất của dự án nghìn tỉ này hay không thì chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác.

Nhiều người vẫn có quyền hoài nghi về chất lượng của công trình này cũng như một số công trình khác đang "về đích" trong tư thế bị dồn đến chân tường. Đây cũng là điều dễ hiểu khi rất nhiều khiếm khuyết từ những dự án tương tự đã xảy ra và nhất là lại được thi công trong điều kiện "tướng đã bị trảm" như thời gian vừa qua.

Thực tế cho thấy mặc dù các công trình đều xuất hiện lỗi sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng hầu như vẫn không xác định được trách nhiệm cá nhân cụ thể nào. Hết thời gian bảo hành thì nhà thầu phủi tay, xem như hết trách nhiệm còn hậu quả do những yếu kém, khiếm khuyết thì chỉ có người dân, người thụ hưởng công trình ấy gánh chịu.

Rõ ràng, dù muộn màng nhưng có vẫn hơn không, đó là cần phải xem xét lại trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân và các bên liên quan trong quá trình đấu thầu, quản lý cũng như thi công các công trình có vốn đầu tư Nhà nước. Ai là người có liên quan thì phải gắn trách nhiệm cá nhân của mình trong suốt chu kỳ sống của công trình ấy thì mới mong có những công trình đảm bảo chất lượng.

Hầu hết các công trình xây dựng đều được thiết kế với tuổi đời hàng trăm năm nếu không muốn nói là vĩnh viễn, nhưng trách nhiệm chỉ có giá trị trong... một vài năm, lại không được phân biệt rạch ròi thì nguồn vốn ngân sách vẫn cứ phải rót đều để sửa chữa những lỗi mà đáng ra phải có một vài cá nhân, tổ chức nào đó gánh chịu.

Đáng buồn thay, một bộ mặt nhơ nhớp trong công tác quản lý, xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một vài đoạn đường, một số cây cầu được xây dựng từ thời Pháp, đều có tuổi thọ đến hàng trăm năm nhưng vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Thiết nghĩ ngày nay, với điều kiện khoa học phát triển hơn, con người với trách nhiệm và nhân văn hơn với xã hội, với đồng loại, thì những công trình thời hiện đại phải chất lượng hơn hẳn những công trình do "bọn đế quốc" xây dựng mới hợp lý.

Nhưng đáng buồn thay, một bộ mặt nhơ nhớp trong công tác quản lý, xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.

Hàng ngày, người dân vẫn phải sử dụng những công trình, vẫn phải di chuyển trên những cung đường và... nơm nớp lo sợ tai ương ập đến bất cứ lúc nào. Với những công trình được xây dựng đúng quy trình, đúng tiến độ mà còn không an tâm thì liệu những công trình bị thúc ép theo kiểu "chín non", liệu có an toàn?

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Người dân thì vẫn chỉ biết chờ đợi và Nhà nước thì lại phải xuất hầu bao.

Nhưng tiền đó là của ai, nếu không là tiền thuế của dân?

Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn