Đại gia bất động sản ‘mất giá’ trên sàn chứng khoán

Thứ năm, 19/01/2012, 05:00
Vẫn chiếm trên 20% số thành viên của Top 500 người giàu nhất sàn chứng khoán nhưng hầu hết các đại diện của ngành bất động sản đều có những bước lùi lớn về tài sản.

 

Lên ngôi trong năm 2010, dù trải qua một năm đầy sóng gió nhưng bất động sản dường như vẫn là ngành “dễ giàu” nhất nếu nhìn vào danh sách những đại gia trên sàn chứng khoán năm nay. Dù giảm so với con số gần 40 của năm ngoái nhưng với 30 đại diện, các doanh nhân địa ốc vẫn là ngành chiếm nhiều vị trí nhất trong Top 100 mà VnExpress.net công bố năm 2011.

Trong số 500 người giàu nhất trên sàn, ngành bất động sản cũng có gần 120 đại diện (chiếm trên 20%) với tổng tài sản gần 35.800 tỷ đồng, tương đương trên 55,5% giá trị cổ phiếu của các thành viên Top 500. Ưu thế của ngành địa ốc được chứng minh rõ ràng hơn khi 3 người giàu nhất trên sàn, bao gồm là ông chủ Vingroup - Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) đều là các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Tài sản của nhiều đại gia địa ốc hao hụt mạnh trong năm 2011. Ảnh: Nhật Minh
Tài sản chứng khoán của nhiều đại gia địa ốc hao hụt mạnh trong năm 2011. Ảnh: Nhật Minh

Trải qua một năm kinh doanh khó khăn, một số dự án bất động sản và bản thân Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng từng có lúc phải đối mặt với tin đồn đói vốn. Tuy nhiên, cổ phiếu VIC vẫn tăng giá khoảng 10% trong năm 2011. Tài sản của 2 vợ chồng ông Vượng, nhờ đó, vẫn tăng trên 1.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2010.

Dù trải qua một năm kinh doanh không tệ (lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm trên 900 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ) nhưng Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức vẫn trở thành người có mức sụt giảm tài sản chứng khoán lớn nhất trên sàn trong năm qua (trên 7.500 tỷ đồng). Sự hao hụt này chủ yếu do niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản, lĩnh vực đang chiếm trên 60% doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai. Chính Bầu Đức cũng đã phải suy nghĩ về điều này và cho biết đang cố gắng giảm dần tỷ trọng của lĩnh vực này xuống khoảng 20 - 25% trong vòng 3 năm tới.

Trường hợp của Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai đại diện cho khá nhiều doanh nhân bất động sản trong điều kiện thị trường được đánh giá là xấu nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho thấy lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh, đặc biệt trong quý III (giao dịch thành công tại Hà Nội và TP HCM lần lượt đạt 500-900, trong khi đó 6 tháng đầu năm là 1.400 - 2.700). Cùng với đó là hàng loạt dự án chung cư giảm giá 3-8% (có trường hợp giảm tới 25%), đất nền giảm 10-20%. Diễn biến này khiến hàng loạt doanh nghiệp không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh, kéo theo sự nản lỏng từ phía cổ đông.

Từng là một hiện tượng của danh sách người giàu 2010 nhưng tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Văn Đạt cũng sụt mạnh trong năm qua. Ảnh: PDR
Từng là một hiện tượng của danh sách người giàu 2010 nhưng tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Văn Đạt cũng sụt mạnh trong năm qua. Ảnh: PDR

Khởi động đầu năm với mục tiêu lợi nhuận 270 tỷ đồng nhưng Công ty Phát triển địa ốc Phát Đạt phải chịu lỗ ngay trong quý một. Dù rất nỗ lực sau đó nhưng kết thúc 9 tháng, doanh nghiệp này chỉ có gần 1,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi con số cùng kỳ là 166 tỷ. Những kết quả này khiến cho giá cổ phiếu PDR giảm gần 43% trong vòng một năm qua và khiến ông chủ Nguyễn Văn Đạt mất gần một nửa tài sản chứng khoán. Với lượng cổ phiếu tương đương hơn 1.440 tỷ đồng, ông Đạt tụt từ vị trí thứ 5 xuống thứ 7 trong danh sách người giàu năm nay.

Tương tự như ông Nguyễn Văn Đạt là một hiện tượng khác của danh sách năm 2010 - Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, Hà Văn Thắm. Từng xếp thứ 8 năm ngoái nhưng ông chủ của tập đoàn địa ốc này phải đợi đến hết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2011 mới có thể giành được một vị trí trong Top 10 nhờ diễn biến tăng giá của cổ phiếu OGC.

Tài sản cổ phiếu của ông Thắm, tính đến thời điểm này còn lại hơn 860 tỷ đổng, giảm mạnh so với con số hơn 2.000 tỷ của năm 2010. Điều này khá tương đồng với kết quả kinh doanh của Tập đoàn Đại Dương khi doanh nghiệp mới đạt trên 270 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng, giảm gần 54% so với kế hoạch. Đại hội cổ đông của doanh nghiệp, do đó đã phải ra nghị quyết giảm hơn một nửa mục tiêu lợi nhuận trước thuế (xuống 380 tỷ đồng) cũng như một phần ba kế hoạch doanh thu (xuống 2.000 tỷ đồng) và cổ tức (10%) trong năm nay.

Bà chủ Quốc Cường Gia Lai - Nguyễn Thị Như Loan cũng vấp phải nhiều khó khăn trong năm 2011. Ảnh: Vũ Lê
Bà chủ Quốc Cường Gia Lai - Nguyễn Thị Như Loan cũng vấp phải nhiều khó khăn trong năm 2011. Ảnh: Vũ Lê

Người bị ông Thắm vượt qua trong phiên giao dịch cuối cùng của năm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai - Nguyễn Thị Như Loan, cũng là một ví dụ khác về hao hụt tài sản trong một năm khó khăn của thị trường địa ốc.

Giảm một nửa so với năm 2010, tài sản chứng khoán của nữ doanh nhân “say địa ốc” này còn lại gần 814 tỷ đồng. Tuy vẫn hoàn thành kế hoạch trả cổ tức 5% cho cổ đông nhưng tính đến hết quý III/2011, doanh nghiệp của bà Loan chỉ có lãi gần 34,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số gần 245 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Dư tiền và các khoản tương đương tiền của Quốc Cường Gia Lai cũng giảm xuống chưa đầy 22 tỷ đồng, so với mức hơn 144 tỷ hồi đầu năm.

Bên cạnh những gương mặt nổi bật nói trên, hàng loạt đại gia bất động sản khác cũng ghi nhận sự hao hụt tài sản trong một năm mà thị trường u ám như 2011, trong đó có nhiều tên tuổi như 2 chị em Đặng Thị Hoàng Yến (Tập đoàn Tân Tạo) - Đặng Thành (Tổng công ty Kinh Bắc), Đặng Hồng Anh (Chủ tịch Sacomreal), Lý Điền Sơn (Chủ tịch Khang Điền)… Tổng tài sản của 30 đại diện trong Top 100 của nhóm ngành này, do đó, tụt xuống còn 33.800 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 50.000 tỷ đồng của năm 2010.

Theo Vnexpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn