Với chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển đã hạ lãi suất xuống gần 0% và in thêm một lượng tiền lớn. Nới lỏng tiền tệ cũng là chính sách được áp dụng ở các nền kinh tế mới nổi, mặc dù các nền kinh tế này đến nay đã giảm thanh khoản bằng việc tăng lãi suất.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng thanh khoản thêm 1.800 tỷ USD kể từ tháng 6/2008 đến cuối tháng 4/2011, kèm theo cam kết duy trì mức lãi suất 0-0,25% cho đến giữa năm 2013.
Trong thời gian đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bơm vào thị trường 431,4 tỷ euro, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) in thêm tương ứng 33.000 tỷ yên và 148,4 tỷ bảng, với cam kết tiếp tục các mức lãi suất siêu thấp.
Việc các nước nới lỏng định lượng đã khiến nguồn cung tiền tăng mạnh trên toàn cầu.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Samsung (SERI), tỷ lệ cung tiền M2 (bao gồm tiền trong lưu thông, các tài khoản chi phiếu, tài khoản tiết kiệm và các loại tiền gửi khác) trong GDP danh nghĩa đã tăng lên mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
Tỷ lệ này của 4 nền kinh tế phát triển là Mỹ, Eurozone, Anh và Nhật Bản ở mức 114,2 trong năm 2010, cao nhất kể từ năm 1982 và tăng 14,2% so với cuối năm 2007, ngay trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008.
Với 4 nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, Brazil và Nga, con số là119,2, tăng 19,2%. Bất kể việc lãi suất đã được nâng lên, thanh khoản ở các thị trường mới nổi vẫn tăng, chủ yếu là do nguồn tiền từ các nền kinh tế phát triển đổ vào. Trong khi đó, nguồn cung tiền ở Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dư ở mức tương đối so với lượng cần thiết cho hoạt động của nền kinh tế. Rõ ràng, thanh khoản có mối quan hệ nhất định đối với lạm phát, theo đó thanh khoản dư thừa sẽ dẫn tới lạm phát cao.
Theo phân tích của SERI đối với 34 nền kinh tế lớn trong giai đoạn 1970-2010, nguồn cung tiền có ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát giá tiêu dùng ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Trong giai đoạn này, tổng hệ số cung tiền với lạm phát ở mức 0,622, cho thấy mối tương quan giữa chúng đã trở lại. Hệ số này đặc biệt cao ở các nền kinh tế mới nổi, với con số của 20 nền kinh tế mới nổi là 0,691. Trong khi đó, hệ số của 14 nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, Anh và Nhật Bản, là 0,35. Mối quan hệ giữa nguồn cung tiền và lạm phát trở nên tích cực sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Hệ số nguồn cung tiền với lạm phát ở mức 0,39 trong giai đoạn 2008-2010.
Cho đến giữa những năm 2000, sức ép lạm phát không tăng mặc dù thanh khoản tăng, nhờ những thay đổi về cơ cấu.
Ông Ben Bernanke, người hiện là Chủ tịch FED, đã từng nói những thay đổi cơ cấu của nền kinh tế như năng suất tăng và chính sách tiền tệ hiệu quả đã giúp ổn định giá tiêu dùng. Việc sửa đổi quy định trong lĩnh vực tài chính đã góp phần kiềm chế lạm phát, khi mọi người chuyển sang giữ các sản phẩm tài chính khác để hưởng lãi suất hơn là giữ tiền mặt hay những tài sản tương đương với tiền mặt. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động rẻ ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc cũng là yếu tố làm giảm bớt sức ép lạm phát thông qua việc hạ chi phí nhân công.
Tuy nhiên, những đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất hiện đã hạn chế hơn, những đổi mới trong lĩnh vực tài chính cũng giảm bớt giữa lúc quy định khắt khe hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Các thị trường mới nổi đã chuyển từ nguồn giảm phát thành nguồn lạm phát, khi lương tăng trong lúc xảy ra cú sốc về nguồn cung do bất ổn chính trị ở Trung Đông và sản lượng lương thực giảm do điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo Vietnam+