Thế giới chìm trong “khói lửa” khi thiếu nước Mỹ

Thứ ba, 17/01/2012, 16:43
Không có sự tham gia của nước Mỹ trong các nỗ lực giải cứu chấm dứt khủng hoảng châu Âu, khủng hoảng vì thế mãi không thể chấm dứt.


 

Năm 1947, phải cần đến tận một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp, nước Mỹ mới chịu đảm nhận trách nhiệm cường quốc lãnh đạo thế giới. Nay, hơn 60 năm sau, một cuộc khủng hoảng khác tại Hy Lạp cho thấy thế giới sẽ thế nào nếu không có nước Mỹ.

Tháng 2/1947, chính phủ Anh, phá sản bởi chiến tranh và mùa đông khắc nghiệt, tuyên bố với Mỹ rằng họ không thể tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp, nước đang bên bờ vực sụp đổ kinh tế và nội chiến.

Tổng thống Mỹ Truman khi đó đã trình trước Quốc hội Mỹ và đề nghị hỗ trợ Hy Lạp 400 triệu USD. Vài tuần sau đó, chính phủ Mỹ công bố kế hoạch Marshall, chương trình hỗ trợ tài chính quy mô lớn, để bình ổn toàn bộ khu vực Tây Âu.

Sự khác biệt giữa thời điểm đó và thời điểm hiện nay rất lớn. Một lần nữa, cuộc khủng hoảng kinh tế khởi nguồn từ Hy Lạp đang đe dọa châu Âu. Tuy nhiên lần này không ai nói đến việc Mỹ sẽ phải ở vị trí trung tâm để giải quyết khủng hoảng.

Hai thời kỳ cũng khác nhau căn bản. Châu Âu không còn là châu lục khốn khổ về kinh tế như thời kỳ năm 1947. Hơn thế nữa, Quốc hội Mỹ không còn phải đối đầu với mối lo như trước đây.

Tuy nhiên năm 2012 cũng giống như năm 1947, quyền lợi của Mỹ và thế giới đều bị đe dọa sẽ chịu tác động từ những vấn đề tại Hy Lạp. Năm 1047, khi công bố kế hoạch hỗ trợ Hy Lạp, Bộ trưởng Quốc phòng George C. Marshall khẳng định sức mạnh kinh tế của Mỹ bị đe dọa bởi biến động tại châu Âu và rằng nước Mỹ cần làm tất cả những gì có thể để mang đến “sức khỏe” kinh tế cho thế giới.

Từ đó đến nay, chính phủ Mỹ luôn áp dụng nguyên tắc này. Nhóm quan chức kinh tế Mỹ chịu trách nhiệm đưa ra chính sách cứu kinh tế toàn cầu khỏi khủng hoảng tại châu Á và Nga cuối thập niên 1990 được coi như “ủy ban cứu thế giới”. Tên gọi đó có phần nghe quá to tát nhưng thực tế thế giới cần đến nước Mỹ và đã từng có được điều này.

Vậy nay điều gì đã thay đổi? Nguyên nhân: thiếu tiền. Chính phủ Mỹ xưa kia tiêu tốn tới 5% GDP vào kế hoạch Marshall. Khả năng này hiện không khả thi. Ông Tim Geithner, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thường hối thúc các nhà đồng cấp châu Âu đưa ra nhiều biện pháp để chấm dứt khủng hoảng nợ. Thế nhưng ông cũng chỉ có thể nói mà chẳng thể ký được bất kỳ tấm séc nào.

Sự lãnh đạo của nước Mỹ đối với thế giới không phải lúc nào cũng trên phương diện tài chính. Ủy ban chính sách hỗ trợ các nước không chi tiêu quá nhiều tiền nhưng hoạt động tại nhiều thời điểm khác nhau. Trước đây khi Liên minh Xôviết sụp đổ, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ có đủ tín nhiệm và khả năng lãnh đạo, thế nhưng nay điều đó không còn nữa. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lấy đi khả năng thuyết phục thế giới của các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng như làm yếu đi khả năng tài chính của nước này.

Chính quyền Tổng thống Obama đã quan tâm đến việc tập trung vào tăng tầm ảnh hưởng tại châu Á. Vì vậy chắc chắn châu Âu hay Trung Đông cũng không khiến nước Mỹ dành nhiều thời gian, tiền và sự quan tâm như trước.

Sự chuyển hướng trọng tâm của Mỹ có thể thấy rõ qua những gì chính phủ nước này đã làm trong năm qua. Khi Nato can thiệp vào Lybia vào năm 2010, Mỹ đóng vai trò không nhỏ.

Và trong khi quan chức chính phủ châu Âu đến Athens rất nhiều lần trong năm nay, quan chức chính phủ Mỹ chỉ quan tâm ở mức độ vừa phải. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đi công tác nước ngoài một năm không biết bao nhiêu lần nhưng bà chỉ đến Hy Lạp có 1 lần trong cùng chuyến đi đến Ấn Độ.

Việc chính phủ Mỹ chuyển hướng trọng tâm chính sách cũng hoàn toàn hợp lý, châu Á là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới và Trung Quốc đang là cường quốc mới nổi lên. Trên lý thuyết, sự quan tâm của Mỹ chuyển từ châu Âu sang châu Á cũng không quá khó hiểu.

Nước Mỹ cho rằng việc giải quyết khủng hoảng châu Âu cần đến chính phủ Đức là đủ. Nếu châu Âu giải quyết được khủng hoảng nợ, châu Âu có thể giải quyết được nhiều vấn đề toàn cầu. Đáng tiếc, cho đến nay chính phủ Đức luôn khiến người ta thất vọng không chỉ với vấn đề khủng hoảng nợ mà còn nhiều vấn đề khác.

Năm 1947, khi Hy Lạp gặp hỏa hoạn, xe cứu hỏa đến từ Washington. Năm 2012, xe cứu hỏa đến từ Berlin và Brussels một cách muộn mằn và thiếu trang thiết bị cần thiết. Lửa vì thế cứ lan rộng mãi.
 

Theo TTVN

Các tin cũ hơn