SaigonNews - Chính phủ các nước thuộc khối đồng tiền chung châu Âu liên tục lên án các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đang "ám" họ.
Thứ sáu ngày 13 vừa rồi là một ngày đen tối của lịch sử châu Âu khi 9 nước trong khu vực này bị hạ bậc tín nhiệm. Một tuần trước đó, đàm phán tái cơ cấu với mục tiêu xóa nợ khoảng 50% cho Hy Lạp đã không thể thực hiện được. S&P đã cắt giảm mức xếp hạng tín nhiệm của Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đảo Síp xuống 2 bậc và của Pháp, Áo, Malta, Slovakia và Slovenia xuống 1 bậc.
S&P cũng “dọa” sẽ tiếp tục cắt giảm mức xếp hạng tín nhiệm của 14 nước thuộc khối đồng tiền chung, gồm Pháp, Áo và 3 nước hiện vẫn có xếp hạng tối cao AAA là Phần Lan, Hà Lan và Luxembourg. Đức là nước duy nhất giữ được mức AAA kèm triển vọng ổn định.
“Phản pháo”
Thủ tướng Elio Di Rupo của Bỉ ngày chủ nhật vừa qua đã lên tiếng cáo buộc các cơ quan đánh giá tín nhiệm đang đẩy châu Âu vào một “vòng nước xoáy” khi hạ mức tín nhiệm của 9 nước trong khu vực đồng euro.
“Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đang thực hiện vai trò của họ, nhưng kỳ lạ là tại sao chúng ta cứ bị cuốn theo những gì họ đưa ra, những hành động của họ.”, ông này phát biểu trên truyền hình.
“Điều quan trọng là làm sao chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng, cải thiện nền kinh tế cũng như đời sống người dân”. Ông cũng đề cập đến khoản dự định cắt giảm thâm hụt công trị giá 11,3 tỷ euro.
Bỉ đã bị hạ bậc tín nhiệm vào cuối năm ngoái bởi 2 cơ quan đánh giá là Moody’s (từ AA1 xuống AA3) và S&P (từ AA+ xuống AA), Fitch thì giữ mức AA+ cho nước này nhưng đưa vào vùng nguy hiểm. Bỉ có một khoản nợ chiếm 97,7% GDP và lượng thất nghiệp khoảng 6,9% dân số. Trong năm 2012, chính phủ của nền kinh tế lớn 6 khu vực đồng euro dự kiến một tốc độ tăng trưởng 0,5% nhưng tình hình cho thấy sẽ không có một tăng trưởng nào.
Các nước khác trong khu vực đồng euro liên tục chỉ trích S&P vì cho rằng thật bất công khi Anh vẫn giữ được mức tín dụng vàng AAA của mình, ám chỉ một âm mưu Anh-Mỹ chống lại nước Pháp. Thế nhưng không hợp lý khi 1 trong 3 cơ quan xếp hạng là Fitch lại có đến 80% sở hữu của người Pháp.
Pháp có một số lý do để chứng minh họ là người bị hại vì cho rằng nhiều chỉ số kinh tế của mình vẫn đang rất ổn định, bao gồm cả lượng thâm hụt ngân sách ít hơn Anh. Không chỉ vậy, nước Pháp còn đào bới lại quá khứ và lên án những phán quyết sai lầm của 3 cơ quan đánh giá tín nhiệm trong hai cuộc khủng hoảng 1997 và 2008.
Cơ quan xếp hạng có “đẩy” thật không
Các nước trong khu vực châu Âu phải tự nhận thấy rằng “một tay không thể vỗ thành tiếng”, nếu họ không mang những nguy cơ thì không ai có thể hạ mức tín nhiệm.
Trước hết, “bản án” nhắm vào những chính sách thắt lưng buộc bụng mà các chính phủ, nhất là Đức áp đặt lên nền kinh tế của họ. Thắt lưng buộc bụng thực sự làm giảm tăng trưởng kinh tế, giảm thu thuế, làm cho vấn đề thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng hơn. Ngay cả trong những thời kỳ khủng hoảng, các nhà kinh tế cũng khuyến khích tăng chi tiêu để vực dậy nền kinh tế, còn chính phủ các nước khu vực đồng euro thì đi ngược lại.
Chính sách tắt lưng buộc bụng đang làm khó người dân
Ngay cả việc đàm phán xóa nợ cho Hy Lạp thất bại cũng một phần do các chính sách của khu vực. Vào mùa thu năm ngoái, Pháp đã lớn tiếng yêu cầu các chủ nợ buộc phải xóa nợ cho Hy Lạp. Và ngày nay, không có gì ngạc nhiên khi chẳng chủ nợ nào tự nguyện từ bỏ quyền lợi của họ.
Vì vậy, các chính phủ phải hiểu tại sao những cơ quan xếp hạng tín nhiệm liên tục ám ảnh họ. Khu vực đồng euro đang “tức tửi” vì cho rằng kết quả xếp hạng là bất công và thiếu minh bạch. Thế nhưng, họ không nhận ra (hoặc cố tình không nhận ra) cái chính mà các cơ quan xếp hạng nhắm vào là những chính sách lỗi thời của khu vực trong khoảng 2 thập niên qua.
Nguyên nhân thứ hai là do bản thân các nước này đã thiếp lập một hệ thống tài chính quá phụ thuộc vào kết quả xếp hạng tín nhiệm. Khả năng vay vốn trên thị trường dựa tất cả vào những thước đo của các cơ quan xếp hạng, làm cho 3 ông lớn trong lĩnh vực này có quyền lực hơn bất cứ nơi nào. Có thể nói khu vực đồng euro đang tự lấy dây trói mình chứ không hề bị ai kéo xuống.
Không chỉ châu Âu mà cả nước Mỹ đều đang tự đẩy mình đi theo những kết quả xếp hạng tín nhiệm. Ở những nền kinh tế nhỏ, ngân hàng chỉ cho các công ty quen biết hoặc dân cư vay vì các đối tượng này không có hành vi tài chính phức tạp. Còn những nền kinh tế quá lớn, chủ nợ luôn mang tiền của mình cho các đối tượng mà họ không hiểu rõ vay và tự nguyện lệ thuộc vào kết quả tín nhiệm được đưa ra từ những cơ quan đánh giá, cho đó là tiêu chí hàng đầu.
Điều này có nghĩa, chừng nào nền kinh tế thế giới còn chưa được đơn giản hóa và giảm bớt nhu cầu thông tin sức khỏe tài chính, thì sự phụ thuộc này vẫn còn tồn tại.
Mỹ An
(Theo Guardian, AF Reuters và EconomicTimes)